Ngày 13/12, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid nhận định biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ cực kỳ nguy hiểm, do vậy người dân Anh nên tiêm mũi vaccine tăng cường bởi những đối tượng đã hoàn thành tiêm chủng vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News, Bộ trưởng Javid cho hay biến thể Omicron đang lây lan với tốc độc nhanh chưa từng thấy với số mắc mới tăng gấp đôi trong 2 đến 3 ngày.
Ảnh minh họa.
Ông Javid cũng cảnh báo Anh sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mạnh và nước này một lần nữa phải chạy đua tiêm vaccine nhằm bảo vệ người dân.
Dữ liệu được công bố vào ngày 10/12 cho thấy hiệu quả của vaccine chống lại sự lây nhiễm biến thể Omicron đã giảm đáng kể ở những người chỉ tiêm hai mũi, nhưng mũi thứ ba đã tăng cường khả năng bảo vệ lên đến trên 70%.
Bộ trưởng Javid cho biết số ca nhiễm biến thể mới này có thể chiếm 40% số ca ở London và hệ thống y tế có thể lâm vào tình trạng quá tải trừ khi chính phủ có hành động kịp thời.
Nếu không quyết liệt ngăn chặn, hàng triệu người có thể nhiễm biến thể Omicron
Sau khi các ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được phát hiện vào ngày 27/11 tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.
Ông Johnson ngày 12/12 đã cảnh báo rằng “làn sóng thủy triều” COVID-19 đang ập đến với hàng triệu người có thể nhiễm biến thể Omicron đến cuối tháng 12 nếu chính phủ không áp dụng các biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ.
Theo đó, nước Anh nâng cảnh báo COVID-19 hiện tại từ mức 3 lên mức 4 do số ca nhiễm biến thể Omicron tại nước này đang “tăng nhanh chóng”.
Theo các quan chức phụ trách y tế của 4 vùng, gồm England, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland, quyết định nâng mức độ đánh giá nguy cơ y tế công cộng (gồm 5 cấp) được đưa ra trên cơ sở khuyến cáo của Cơ quan an ninh y tế Vương quốc Anh, trong bối cảnh Anh vừa ghi nhận thêm 1.239 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên con số 3.137, tăng 65% so với một ngày trước đó.
Mức độ 4 đồng nghĩa với việc “tình trạng lây lan cao và áp lực lớn, ngày càng gia tăng đối với hệ thống chăm sóc y tế”.
Ngày 12/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, hiện đã hơn 60 nước trên thế giới đã ghi nhận biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, điều này đặt ra nguy cơ rất cao trên phạm vi toàn cầu khi có một số bằng chứng cho thấy biến thể này có khả năng “lẩn tránh” hàng rào kháng thể vaccine tạo ra trong khi giới chuyên gia chưa có nhiều dữ liệu lâm sàng về độc lực của nó.
Trong báo cáo mới này, các chuyên gia y tế của WHO tái khẳng định đánh giá đầu tiên ngày 29/11 rằng nguy cơ liên quan đến biến thể Omicron vẫn rất cao.
Có bằng chứng sơ bộ cho thấy Omicron có khả năng tránh hệ miễn dịch của cơ thể và tốc độ lây nhiễm cao, qua đó có thể khiến số ca mắc mới tiếp tục gia tăng với các hậu quả nghiêm trọng.
WHO dẫn một số bằng chứng ban đầu cho thấy số người bị tái nhiễm biến thể Omicron đã tăng tại Nam Phi.
Theo WHO, mặc dù các nghiên cứu tại Nam Phi cho thấy biến thể Omicron có thể ít độc lực hơn biến thể Delta – hiện là biến thể thống trị toàn cầu – và tất cả các bệnh nhân nhiễm biến thể này ở châu Âu đều là thể nhẹ hoặc không triệu chứng, nhưng độc lực của Omicron vẫn là vấn đề đòi hỏi thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng.
WHO nhấn mạnh ngay cả nếu độc lực của biến thể Omicron thấp hơn độc lực của biến thể Delta, dự kiến số người nhập viện sẽ tăng do số ca nhiễm bệnh tăng có thể khiến hệ thống y tế quá tải, dẫn tới nhiều ca tử vong hơn.
Dự kiến trong những tuần tới, WHO sẽ công bố các báo cáo mới về biến thể này.
Thục Anh