Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Sự cố sạt lở ở miền Trung do thủy điện thì chưa chắc đúng”

Hà Thu|05/11/2020 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết, các khu vực xảy ra tai nạn sạt lở ở miền Trung thời gian qua nếu kết luận do thủy điện thì chưa chắc đúng.

Đăng đàn trước Quốc hội sáng 5/11, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà bày tỏ sự thấu hiểu trước những đề xuất tâm huyết của các đại biểu khi nói về nỗi đau miền Trung đang gánh chịu.

“Tôi xin được chia sẻ với mất mát của người dân, khó khăn của cán bộ, chiến sĩ đang xẻ núi, mở đường để giải quyết những thảm họa này”, ông Trần Hồng Hà nói.

Dẫn báo cáo từ Uỷ ban quản lý rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc, Bộ trưởng nhấn mạnh, thế giới đang chịu tác động biến đổi khí hậu với cường độ và tần suất thiên tai xảy ra tăng gấp 4 lần trong 40 năm qua.

Việt Nam, đặc biệt, lại nằm trong vòng bão Tây nam Thái Bình Dương, đứng thứ 7 trong số các quốc gia có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới, là 1 trong 16 nước chịu tác động lớn nhất của hiện tượng khí hậu cực đoan, ông Hà nói.

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà giải trình sáng ngày 5/11. Ảnh Vietnamnet

Bộ trưởng khẳng định, trong bối cảnh đó, nguy cơ tác động tới con người đã được kéo giảm. Từ từ năm 2009, Việt Nam đã tiến hành chương trình nghiên cứu về lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi, miền Trung, Tây Nguyên và từ năm 2012 có chương trình điều tra biến đổi địa chất, cảnh báo sạt lở ở miền núi.

Vì thế, theo Bộ trưởng, kết luận những sự cố sạt lở vừa qua do thủy điện thì chưa chắc đã đúng. “Không nên suy đoán mà phải dựa trên cơ sở khoa học. Toàn bộ khu vực này nằm trong đứt gãy địa chất, đứt gãy phong hóa tạo ra độ gắn kết rất thấp, lại nằm trong địa hình đồi núi dốc. Quá trình đó làm cho địa chất bị nát vụn cùng với lượng mưa lớn dẫn đến nguy cơ sạt lở”- Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu tài nguyên và môi trường khái quát, thảm hoạ thiên tai tại miền Trung vừa qua là tổ hợp các dạng thái thiên tai cộng gộp lại. 4 cơn bão đến liên tiếp, trong đó bão số 9 mạnh nhất 20 năm qua. Hình thái áp thấp duy trì kéo dài ở miền Trung dẫn đến mưa lớn. Có những ngày ở Quảng Nam, lượng mưa tới 500mm/ngày.

“Điều đó có nghĩa là cả nửa mét nước trút xuống. Như vậy nghĩa là trời đổ nước xuống chứ không phải mưa nữa” – ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Về yếu tố địa chất, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường thông tin, ở những vùng sạt lở vừa qua, như Trạm 67 tại Phong Điền (Thừa Thiên Huế), tại Cha Lo, Đoàn 337 (Quảng Trị), Trà Leng, Trà Vân ở Nam Trà My (Quảng Nam), vùng sạt sở đều ở độ cao 300-900m.

Độ cao này, theo Bộ trưởng, ít liên quan đến vị trí thuỷ điện. Mà, những khu vực này đều nằm trong các đới đứt gãy địa chất. Đứt gãy tạo nên độ phong hóa 9-16 mét, tạo ra hình thái đá lẫn cát, sét, sỏi, độ gắn kết kém. Trạm 67, Đoàn 337… đều nằm ở khu vực có độ trượt, dốc lớn. Những khu vực này luôn tiềm ẩn sẵn hình thái đứt gãy, cộng với hiện tượng mưa trên 100mm thì đều có nguy cơ sạt lở, còn khi mưa đến 500mm thì làm tăng thêm trọng lượng, kéo sạt trượt mạnh mẽ.

“Những chuyện đã xảy ra, qua số liệu ban đầu có thể khẳng định như vậy. Còn tại các vị trí sạt sở, rừng đều đã phủ xanh toàn bộ chứ không phải núi trống, đồi trọc” – Bộ trưởng khẳng định.

Liên quan đến thuỷ điện nhỏ, theo Bộ trưởng, cần xem xét từ khâu quy hoạch, thiết kế, nếu không có hệ thống hồ chứa thì tình hình lũ lụt vừa qua còn khủng khiếp hơn.

“Lỗi không phải là thuỷ điện nhỏ. Ở Na Uy, đất nước này có vô số thuỷ điện nhỏ trên khắp lãnh thổ, đã mang lại hiệu quả khai thác tốt. Vậy thì vấn đề cần được nhìn nhận, đánh giá khách quan” – Bộ trưởng nêu quan điểm.

Ông Hà cũng thông tin, ngành đã dự báo trước 15 ngày về việc bão dồn dập, đã dự báo trước 2 ngày về khả năng mưa lớn trên diện rộng. Từ đó, các địa phương đã điều tiết, cắt lũ tốt. Nhìn chung, hệ thống hồ chứa tại các khu vực đã điều tiết được tới 39-70% lũ, đạt mục tiêu đề ra. Hạn chế ở đây, nếu có, chính là vì nhiều hồ chứa nhỏ, chưa đảm bảo cắt lũ được 100%.

Trước nhiều ý kiến đề cập thiên tai nặng nề hơn khi mất diện tích rừng tự nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói, nếu không chuyển đổi rừng tự nhiên thì với dân số 100 triệu, Việt Nam không có không gian để phát triển. Tuy nhiên, phải xác định các khu vực cần giữ là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Hiện chúng ta đang khủng hoảng trong tư duy lựa chọn các mô hình phát triển, đó là dựa vào khai thác tự nhiên hay trái với tự nhiên. Sự phát triển đòi hỏi phải có sự thay đổi – Bộ trưởng phát biểu và bày tỏ mong muốn các đại biểu ủng hộ, thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) – dự thảo luật đang còn nhiều quan ngại từ dư luận.

Hà Thu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: “Sự cố sạt lở ở miền Trung do thủy điện thì chưa chắc đúng”
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.