Brazil: Quyết liệt ngăn chặn nạn phá rừng nhiệt đới Amazon

Ngọc Ánh (t/h)|08/06/2019 02:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Cơ quan bảo vệ môi trường của Brazil,đã phát động một chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay nhằm ngăn chặn nạn phá rừng Amazon, để chống lại sự thay đổi khí hậu – đang bị hủy hoại một cách không thương tiếc rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới.

Cơ quan bảo vệ môi trường của Brazil IBAMA đã phát động một chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay nhằm ngăn chặn nạn lâm tặc đang ngày càng hoành hành tại rừng Amazon.

Bộ môi trường Brazil cho biết đã cử 165 đặc vụ tới nhiều bang của nước này nhằm hỗ trợ binh sỹ và lực lượng cảnh sát địa phương trong việc khoanh vùng các khu vực lâm tặc hoạt động ráo riết nhất

Nhiệm vụ của lực lượng mới tăng cường này là khoanh vùng các khu vực lâm tặc hoạt động ráo riết nhất để hạn chế tối đa những thiệt hại đối với môi trường.

Kết quả phân tích dữ liệu của hệ thống vệ sinh cảnh báo sớm cho thấy tốc độ phá rừng rậm nhiệt đới Amazon đang gia tăng và tháng 5 vừa qua đã ghi nhận mức độ nhanh nhất trong 1 thập niên.

Theo Viện Nghiên cứu không gian vũ trụ Brazil (INPE), hệ thống báo động DETER ghi nhận diện tích rừng bị phá trong tháng Năm lên tới 739km2. Con số này cao hơn so với 550km2 ghi nhận cùng thời điểm năm ngoái, và cao gấp đôi so với diện tích rừng bị phá hai năm trước. Tháng Năm thường là tháng hoạt động chặt phá rừng gia tăng sau mùa mưa ở Brazil.

Từ sau thập niên 70 thế kỷ trước, những đàn trâu bò ngày càng phát triển đông đúc ở Amazonas và người chăn nuôi phải đốn cây rừng để tìm thức ăn cho gia súc. Curt Trennepohl, Chủ tịch của IBAMA, thừa nhận người từ các bang khác đang dòm ngó những cánh rừng bao quanh Boca de Acre và những thị trấn khác ở miền nam Amazonas. IBAMA là cơ quan có nhiệm vụ giám sát, bắt giữ và trừng phạt bất cứ ai có hành vi xâm hại rừng mưa nhiệt đới Amazon.

Các báo cáo tình báo của IBAMA tiết lộ bọn tội phạm đốn gỗ lậu đang ngày càng di chuyển nhiều vào khu vực miền Nam bang Amazonas, vùng đất có khoảng 97% diện tích rừng nguyên sinh. Curt Trennepohl rất lo ngại về xu hướng sử dụng phổ biến công cụ phá rừng tự chế cực kỳ nguy hiểm gọi là “correntoes”. Correntoes là những chiếc máy kéo hay xe tải được buộc sợi xích kim loại sắc bén có thể cắt đứt gốc cây chớp nhoáng và san bằng cả một vạt rừng trong khoảng thời gian được tính bằng phút.

Các chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp là do kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm nay, Tổng thống Jair Bolsonaro đã nới lỏng hoạt động bảo vệ môi trường khi giải thể một số cơ quan hoạt động trong lĩnh vực này, giảm ngân sách thực thi các chương trình trong khuôn khổ các đạo luật môi trường cũng như thể hiện sự hoài nghi về các biện pháp chống biến đổi khí hậu.

Mặc dù là quốc gia sở hữu nhiều nhất diện tích “lá phổi xanh” của Trái Đất, nhưng Brazil cũng là nước mất nhiều rừng nhất trong năm 2018 với gần 16.187km2. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng phá rừng phục vụ cho hoạt động chăn nuôi gia súc, trồng đậu nành hay khai thác mỏ.

Trong suốt 40 năm qua, gần 20% rừng mưa Amazon bị hủy diệt – tức hơn tỉ lệ của 450 năm trước đó kể từ khi cuộc thực dân hóa của người châu Âu bắt đầu. Các nhà khoa học trên thế giới hiện đang lo sợ trước viễn cảnh thêm 20% rừng mưa Amazon sẽ mất đi trong hai thập niên tới. Nếu điều đó xảy ra thì hệ sinh thái rừng Amazon sẽ tan vỡ và gây ra tình trạng khô hạn dẫn đến sự diệt vong của các loài động thực vật quý hiếm. Nạn khô hạn như thế từng tác động đến rừng Amazon trong năm 2005, làm giảm mực nước sông xuống 12 mét và gây điêu đứng cho hàng trăm cộng đồng dân bản địa xung quanh.

Ngoài ra, việc cây rừng bị đốt cháy bừa bãi để tạo vùng đất trống tại vùng ranh giới các bang Para, Mato Grosso, Acre và Rondonia, cho nên Brazil đang trở thành một trong những quốc gia có lượng khí thải nhà kính lớn nhất thế giới.

Ngọc Ánh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Brazil: Quyết liệt ngăn chặn nạn phá rừng nhiệt đới Amazon