Bùng nhùng nhà kính, nhà lưới: Nhà kính bủa vây TP.Đà Lạt

Theo báo Nông nghiệp|26/09/2018 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Do chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), màu xanh của cây trồng giữa không gian đã biến mất, chỉ thấy nhà kính, nhà lưới bao phủ khiến hệ sinh thái bị mất cân bằng nghiêm trọng. TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đang mất dần vẻ đẹp vốn có…

>>> Triều Tiên: Phát triển cảng để tái sinh kinh tế

>>> Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Hội nghị gạo thế giới

Nhà kính chen chúc giữa các khu dân cư

Theo số liệu thống kê, hiện Đà Lạt có khoảng 4.400ha nhà kính, 1.200ha nhà lưới, trong khi đó tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của thành phố chỉ hơn 10.000ha. Diện tích nhà kính hiện đã gấp 5 lần so với 5 năm trước. Nhà kính được phát triển tự do và gần như thả nổi.

Dạo quanh các phường của Đà Lạt, trừ các phường 1 và 2 còn lại từ phường 3 đến phường 12 đều thấy nhà kính mọc ồ ạt, che phủ trắng cả một vùng. Nhà kính mọc lên ở đâu, mảng xanh, rừng thông dần biến mất tới đó. Đặc biệt, tại các vùng trọng tâm sản xuất nông nghiệp như phường 5, 7, 8, 9, 11, 12 nhà kính vây mọi ngóc ngách, là máng nước xối thẳng xuống kênh mương…

Ở Đà Lạt và vùng nông nghiệp lân cận, ở nơi nào có trồng rau, hoa thì nơi đó có nhà lưới, nhà kính. Những vùng nông nghiệp có mật độ nhà kính lớn nhất là Phước Thành, Vạn Thành và Thái Phiên. Đi vào làng hoa Thái Phiên, ngoài khu vực nhà ở có từ trước thì toàn bộ diện tích còn lại đã bị bọc bởi nhà kính. Nhà kính dọc triền dốc, dọc suối Cam Ly ken dày như ma trận.

Với hàng ngàn ha nhà kính, Đà Lạt không ngủ về đêm

Tại hồ Than Thở (phường 9) là khu điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt đang trong tình trạng bị nhà kính trồng rau áp sát, ngập tràn rác thải khiến cảnh quan thay đổi. Không chỉ nông dân Đà Lạt, nhiều cá nhân, doanh nghiệp từ nơi khác cũng đổ xô đến đầu tư làm nông nghiệp, nhân rộng diện tích nhà kính.

Là người có nhiều năm nghiên cứu về hệ sinh thái Đà Lạt và các vùng liên quan, Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam bày tỏ lo ngại: Xây dựng nhà kính tràn lan sẽ gây 3 tác động tiêu cực cho môi trường là tăng nhiệt độ, ảnh hưởng đến chất lượng đất và ô nhiễm nguồn nước. Đà Lạt đang “nóng” vì nhà kính sát nhau, không còn khoảng trống cho sự bay hơi và thoát nhiệt.

“Theo ghi nhận nhiệt độ ở những khu nhà kính tăng trung bình 3 – 5 độ C so với những khu vực khác trong cùng điều kiện thời tiết. Chúng tôi đã ghi nhận được những số liệu cho thấy nhiệt độ trung bình của Đà Lạt đã tăng trung bình 1 – 1,5 độ C và biên độ nhiệt giãn thêm 3 độ C trong 10 năm qua”, TS Long chia sẻ.

Hiện Đà Lạt cũng đang bị ô nhiễm nguồn nước, thoái hóa đất, dịch bệnh cây trồng bùng phát. Nguyên nhân là do nông dân lạm dụng nhà kính và lối canh tác chuyên canh. Quá trình chuyển những loại cây trồng quen sống ngoài trời vào nhà kính, có nguy cơ xâm nhập của sâu bệnh. Rệp cây, bọ ve và bọ trĩ dễ dàng được phát tán vào môi trường gây ra bệnh dịch nguy hiểm. Bệnh nấm ký sinh cây trồng cũng bủa vây nhà kính. Để khắc phục điều này, nông dân buộc phải tăng cường dùng thuốc BVTV. Bệnh dịch có thể dứt một thời gian, nhưng sẽ sớm quay trở lại…

Những năm gần đây, hiện tượng ngập cục bộ ở các vùng nông nghiệp lớn, ở khu vực hạ lưu suối Cam Ly và dọc suối Phan Đình Phùng đã được cơ quan chức năng ghi nhận. Đà Lạt và huyện Đơn Dương gần đây đã xảy ra những trận lũ lụt kinh hoàng, nước ngập trong khu dân cư sâu cả mét. Cá biệt, có những căn nhà bị ngập sâu gần nóc!

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long cho biết: Về lý thuyết thì những vùng đất có nhà kính hệ số thấm nước bằng không. Có nghĩa mưa đổ xuống thì rơi trên những tấm nilon và đổ ào ào ra suối. Nước không thấm vào đất giọt nào hết. Mưa to vậy nhưng bên trong nhà kính đất khô ran, kiểu như mình mặc áo mưa đi dưới trời mưa vậy. Lượng nước không thấm được, đổ ra suối trong thời gian ngắn, khiến nước dâng cao đột ngột tạo lũ với tốc độ chảy mạnh.

Theo báo Nông nghiệp

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bùng nhùng nhà kính, nhà lưới: Nhà kính bủa vây TP.Đà Lạt
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.