Cà Mau: Hơn 750 căn nhà tại các xã ven biển bị hư hại do mưa dông

Minh Trang|11/07/2022 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dông, lốc kèm theo mưa to trong 2 ngày cuối tuần đã làm hư hại hơn 750 căn nhà của người dân tại các xã ven biển tỉnh Cà Mau, trong đó huyện Trần Văn Thời là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có gần 345ha lúa hè thu và 1 ha rau màu bị ngập úng; một số cây trồng, trụ điện, pa nô bị đổ ngã... Ước tính, tổng thiệt hại ban đầu do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh là hơn 5,2 tỷ đồng.

Trước đó, từ ngày 6-10/7, tỉnh Cà Mau ghi nhận có 6 phương tiện thủy, tàu cá bị chìm do thời tiết xấu.

Trước tình hình trên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động triển khai kịp thời biện pháp phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2022.

Đặc biệt, UBND các huyện, thành phố Cà Mau khẩn trương, kịp thời thăm hỏi, động viên các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, giúp người dân sớm vượt qua khó khăn để an tâm, ổn định cuộc sống; lực lượng tại địa phương nhanh chóng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

can-nha-bi-hu-hong.jpg
Người dân khóm 6A, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời bị thiệt hại nặng trong mưa dông và nước biển dâng những ngày qua

Chính quyền địa phương vận động, di dời các hộ dân tại nơi có nguy cơ thiệt hại do thiên tai đến nơi an toàn; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống và ứng phó với các loại hình thiên tai như áp thấp nhiệt đời, bão, dông, lốc, sét, mưa to, gió mạnh trên biển. Người dân cần chủ động chủ động gia cố bờ bao, chuẩn bị phương tiện bơm tát nước và thực hiện các biện pháp thích hợp để làm giảm thất thoát thủy sản nuôi, ngập úng lúa, rau màu khi xảy ra thiên tai...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên kiểm tra, tu sửa, gia cố những vị trí, hạng mục công trình phòng, chống thiên tai như đê, cống, đập, trạm bơm, khu neo đậu tránh, trú bão; vận hành hợp lý hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo ngăn triều cường xâm nhập; phát huy hiệu quả tiêu thoát nước, chống ngập úng vùng ngọt hóa. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất phù hợp với lịch mùa vụ và diễn biến thời tiết, thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tránh phát sinh thành dịch bệnh.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chính quyền địa phương ven biển tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ hoạt động ra - vào cửa biển; không cho phép ra biển các tàu cá chưa đủ điều kiện hoạt động theo quy định hiện hành, kể cả phương tiện thủy nội địa tham gia khai thác thủy sản ven bờ.

Cũng trong sáng 10/7, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt dẫn đầu Đoàn công tác của UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, xem xét tình hình sạt lở đê biển Tây tại 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh.

Đoàn công tác đến kiểm tra các công trình dân sinh tại khu vực đê biển Tây thuộc địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Ghi nhận tại đây, các khu tái định cư nằm trong chân đê đang trong giai đoạn hoàn thành cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, hệ thống đèn chiếu sáng, phần nền… Những hộ thuộc diện được tái định cư đã được địa phương lập danh sách cụ thể, rà soát kỹ càng, tránh để xảy ra trường hợp nhận nền tái định cư sau đó sang bán cho người khác.

Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, các khu tái định cư hình thành và đưa vào sử dụng không chỉ giúp người dân nơi đây thêm ổn định cuộc sống, mà xa hơn còn hướng đến chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

Cà Mau đang bước vào cao điểm của mùa mưa bão, nhiều đoạn trên tuyến đê biển Tây hiện đai rừng phòng hộ còn rất mỏng, thậm chí nhiều đoạn sạt lở đã tới chân đê, uy hiếp trực tiếp đến an toàn đê. Tuy nhiên, những đoạn đê có nguy cơ sạt lở cao, rừng phòng hộ thưa nhưng được bảo vệ bằng kè chắn sóng đã góp phần bảo vệ chân đê vững vàng hơn, trong đó kè ly tâm được đánh giá là mang lại hiệu quả khá cao.

Đoàn công tác đã đến kiểm tra những điểm sụt lún tại Khu di tích Hòn Đá Bạc. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo ngành chức năng có liên quan cần sớm có biện pháp khắc phục; đồng thời lưu ý, bên cạnh tính hiệu quả của công trình là bảo vệ được chân đê còn phải tạo được vẽ mỹ quan nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Hơn 750 căn nhà tại các xã ven biển bị hư hại do mưa dông