Vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất trên địa bàn tỉnh.
Theo các chỉ tiêu đánh giá, khu, cụm công nghiệp, khu bãi thải, xử lý chất thải, khu canh tác sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, khu vực nghĩa trang, nghĩa địa, không có diện tích đất bị ô nhiễm, cận ô nhiễm. Hiện nay, chỉ phát hiện khu vực nuôi trồng thủy sản có dấu hiệu ô nhiễm chỉ tiêu chất hữu cơ.
Cụ thể, diện tích đất bị ô nhiễm 66,21 ha, gồm khu vực nuôi trồng thủy sản ở các huyện: Phú Tân, Đầm Dơi, Cái Nước và thành phố Cà Mau.
Diện tích đất cận ô nhiễm 76,01 ha, gồm khu vực nuôi trồng thủy sản các huyện: Thới Bình, Cái Nước, U Minh, Năm Căn, Trần Văn Thời, Đầm Dơi.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này cho biết, để phòng ngừa, giải quyết và khắc phục tình trạng ô nhiễm đất đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của toàn xã hội, từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường đến tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra, giám sát, việc bố trí sử dụng đất hợp lý, việc áp dụng các phương thức sản xuất thân thiện với môi trường đến việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng xã hội.
Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cân đối, hợp lý và hiệu quả; Xử lý nước thải bằng ao sinh học; Tuyên truyền, giáo dục trong bảo vệ môi trường và Kiểm tra, giám sát.
Cụ thể, về giải pháp về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ lồng ghép bảo vệ môi trường trong các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhằm tránh bố trí những loại hình sử dụng đất có thể làm suy thoái và ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó là quy hoạch môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng ven biển; Phân loại, hoạch định chiến lược, lập quy hoạch bảo vệ, khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất, tính đến các tác động của biến đổi khí hậu; Xác định quy mô sử dụng đất thích hợp cho đất canh tác nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất ở đô thị, nông thôn, đất khu, cụm công nghiệp,... để có chiến lược sử dụng tài nguyên đất bền vững; Xây dựng phương án phát triển nông nghiệp, phương án sử dụng đất nông nghiệp tích hợp trong quy hoạch tỉnh đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, hiệu quả. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với công tác bảo vệ môi trường; Thực hiện quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tập trung chế biến thủy sản, để có chính sách ưu tiên xử lý môi trường và có chính sách thu hút các cơ sở chế biến thủy sản khác vào các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời giúp tăng cường công tác quản lý môi trường đối với ngành chế biến thủy sản trong việc xử lý chất thải trong sản xuất chế biến đáp ứng các quy chuẩn môi trường quy định.
Về phương pháp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cân đối, hợp lý và hiệu quả cần thực hiện theo các nguyên tắc như: Sử dụng thuốc bảo vệ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách); Bón phân cân đối, hợp lý tùy theo nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây. Việc quyết định lượng phân bón, loại phân bón, phương pháp bón phù hợp, cân đối, có tác dụng làm ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của đất, chống rửa trôi, ô nhiễm môi trường; tăng năng suất thu hoạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm thu hoạch, nâng cao hiệu quả của phân bón và của các biện pháp kỹ thuật canh tác khác.
Về phương pháp xử lý nước thải bằng ao sinh học, Sở Tài nuyên và Môi trường tỉnh Cà Mau đề xuất giải pháp xử lý nước thải dựa trên phương pháp ao sinh học kết hợp ao lắng và hầm biogas. Cụ thể, hệ thống bao gồm bồn lắng (thay cho ao lắng) để lắng chất lơ lửng, hầm biogas để xử lý bùn lắng từ nước xi phông, chuỗi ao sinh học gồm: 02 ao sinh học và 01 ao khử trùng để xử lý nước thay và các loại nước thải khác như: Nước xi phông đã tách bùn, nước thải từ hầm biogas,…
Về giải pháp về tuyên truyền, giáo dục trong bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau nhận định, con người là tác nhân quan trọng gây ô nhiễm và biến đổi sâu sắc chất lượng môi trường. Do đó, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm phổ biến, nâng cao nhận thức về môi trường, Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản pháp quy dưới luật là biện pháp cần thiết. Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau cần tổ chức tốt các biện pháp tuyên truyền khác như: phát động tuần lễ nước sạch và vệ sinh môi trường, xuất bản các loại tạp chí bảo vệ môi trường, tuyên truyền về ngày môi trường Quốc tế, hưởng ứng ngày làm sạch Thế giới, trồng và bảo vệ rừng, phổ biến cho nông dân các kiến thức cơ bản về một nền nông nghiệp xanh, bền vững và thân thiện với môi trường,…
Cuối cùng về giải pháp kiểm tra, giám sát, Sở Tài nguyên và Môi trường để xuất tổ chức kiểm kê, đánh giá các nguồn thải phát sinh trên địa bàn, xác định rõ nguyên nhân để giảm thiểu ô nhiễm và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định. Công khai thông tin về các nguồn gây ô nhiễm môi trường, các cá nhân, tổ chức trên địa bàn quản lý vi phạm các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng; Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện các vi phạm về bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác môi trường và trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả cho các lực lượng này; Phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; Tăng cường công tác hậu kiểm để đánh giá việc khắc phục các tồn tại, vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại các cơ sở,…
Chính phủ phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học. Nguồn vốn tự nhiên thủy sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội từng bước được nghiên cứu, kiểm kê, đánh giá. Xây dựng, áp dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên và đầu tư phát triển nguồn vốn tự nhiên thủy sản...