Thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết trong tháng 4/2024, cả nước tiếp tục xảy ra 32 trận động đất nhỏ có độ lớn từ 2,5 đến 4,1 tập trung chủ yếu tại khu vực tỉnh Kon Tum.
Trận động đất mới nhất xảy ra vào lúc 8 giờ 5 phút sáng 30/4 tại huyện Kon Plong (“điểm nóng” thường xuyên xảy ra động đất trên cả nước) tại tỉnh Kon Tum. Đây cũng là trận động đất có độ lớn cao nhất trong tháng 4/2024.
Ghi nhận của Viện Vật lý Địa cầu cho thấy trong số 32 trận động đất xảy ra từ đầu tháng Tư đến nay, có tới 31 trận xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong; 1 trận động đất xảy ra ở khu vực huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
Các ngày xuất hiện nhiều động đất trong tháng Tư như: Ngày 18/4 với 6 trận; ngày 4/4 xảy ra 4 trận; ngày 15/4 xảy ra 3 trận; ngày 21 và 25/3 xảy ra 3 trận.
Trước đó trong Ba, trên cả nước đã xảy ra 47 trận động đất nhỏ. Trong số đó có tới 46 trận xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong; 1 trận xảy ra ở khu vực huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội (đây cũng là trận động đất khiến nhiều khu vực có dấu hiệu rung lắc, nhất là các tòa nhà nhà cao tầng ở một số quận nội thành Hà Nội; người dân lo lắng).
Trong tháng Hai, cả nước cũng đã xảy ra 17 trận động đất có độ lớn từ 2,5-4,0 tập trung tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.
Tháng Một cả nước xảy ra 8 trận động đất có độ lớn từ 2,5-2,8 (trong số này có 6 trận xảy ra ở huyện Kon Plong; 2 trận động đất khác xảy ra tại các huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình).
Như vậy, trong 4 tháng đầu năm 2024, trên cả nước xảy ra 104 trận động đất nhỏ tại các tỉnh Kon Tum, Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang và Hà Nội.
TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, với việc vận hành ổn định Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần và các mạng trạm quan trắc đã góp phần tích cực trong công tác cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Số liệu cho thấy những trận động đất ở Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hồ chứa nước, cơ bản liên quan đến việc tích nước, theo chu kỳ nhất định; có những đợt liên tiếp xảy ra trong vòng mấy ngày, sau đó dừng lại.
"Theo dự báo, động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, có độ lớn dưới 5.5 độ richter. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần tiếp tục nghiên cứu và quan trắc, đồng thời thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học để có thêm thông tin chính xác hơn, qua đó triển khai giải pháp đầy đủ, cụ thể hơn", TS. Nguyễn Xuân Anh cho hay.
Viện Vật lý Địa cầu sẽ tiếp tục thường xuyên thông báo về động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực, đồng thời các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.
Theo Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh, khi xảy ra động đất, người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; đồng thời chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất.
Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng chống, thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân.