Các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh gấp rút ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Hoàng Thơ |11/11/2024 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Xuất hiện dịch tả lợn châu Phi ở nhiều huyện, Hà Tĩnh gấp rút “kích hoạt” các biện pháp phòng trừ, giảm thiểu tối đa thiệt hại kinh tế, đảm bảo nhu cầu thực phẩm dịp Tết.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), nhiều hộ chăn nuôi đã phải tiến hành tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết gây thiệt hại kinh tế và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan giai đoạn cuối năm.

dich-ta-lon-chau-phi-nguoiduatin.jpeg
Ảnh minh họa

Cụ thể, tại huyện Cẩm Xuyên, xã Cẩm Quan có 6 hộ chăn nuôi bị DTLCP với tổng đàn nhiễm bệnh 19 con. Chính quyền địa phương đã kịp thời triển khai công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo hộ chăn nuôi giám sát chặt chẽ tình hình sức khoẻ đàn vật nuôi để phát hiện các dấu hiệu bất thường, báo cáo kịp thời cho cán bộ thú y, chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý, tuyệt đối không giấu dịch để tránh thiệt hại nặng nề.

Hiện, các xã Cẩm Thạch, Nam Phúc Thăng, Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) cũng ghi nhận DTLCP chưa qua 21 ngày. Các ổ dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và huyện Cẩm Xuyên đã tiêu hủy 52 con lợn với trọng lượng 2.324kg.

Tại huyện Lộc Hà, DTLCP cũng xuất hiện tại các xã Ích Hậu, Thịnh Lộc và Tân Lộc từ ngày 20/10/2024 đến nay làm chết và tiêu hủy theo quy định 36 con lợn với tổng trọng lượng 2.680kg. Ngay khi có kết luận vật nuôi nhiễm bệnh từ Chi cục Thú y vùng III, chính quyền và ngành chuyên môn huyện “kích hoạt” các biện pháp phòng trừ. Theo đó, địa phương đã lập các chốt cảnh báo vùng có dịch; xã có dịch đã được cấp 198 lít hóa chất, 2.500kg vôi bột, thực hiện tiêu độc, khử trùng tại hộ có dịch và các khu vực liên quan.

Điều kiện chuồng trại quy mô nông hộ không đảm bảo, công tác vệ sinh thú y tại các hộ chưa được chú trọng, vật nuôi chưa được tiêm phòng vắc xin DTLCP... là những nguyên nhân khiến DTLCP bùng phát.

Trước tình hình trên, chính quyền các địa phương và ngành chuyên môn đề nghị hộ chăn nuôi tăng cường giám sát dịch bệnh; hướng dẫn hộ chăn nuôi chăm sóc vật nuôi bị bệnh, chữa trị theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn; tiếp tục tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi ký cam kết, thực hiện nghiêm “5 không” (không dấu dịch; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc bị bệnh; không giết thịt gia súc ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; không vứt xác gia súc chết ra môi trường xung quanh, gia súc bị chết phải tiêu hủy theo quy định).

Ngoài ra, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, mua bán, vận chuyển giết mổ trên địa bàn; khẩn trương hoàn thành rà soát tổng đàn, thực hiện kê khai chăn nuôi theo quy định; tiêm vắc xin bao vây, khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng…

Đến nay, các huyện Cẩm Xuyên và Lộc Hà có DTLCP chưa qua 21 ngày, các ổ dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo ngành chuyên môn, qua kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh còn một số vấn đề tồn tại như: quá trình nắm bắt thông tin, kiểm tra, giám sát, báo cáo dịch bệnh của một số địa phương chưa đảm bảo quy định; thực hiện tiêu độc, khử trùng còn hạn chế về tần suất, chất lượng; người chăn nuôi còn chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh, khi phát hiện lợn ốm không báo chính quyền địa phương mà tự mua thuốc điều trị.

Từ nay đến cuối năm là thời điểm các cơ sở chăn nuôi tăng đàn, tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết. Theo đó, các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn gia tăng, cùng với diễn biến thời tiết bất lợi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi… nên nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan thời gian tới rất cao.

Dịch tả lợn châu Phi chủ yếu gây hại cho ngành chăn nuôi lợn, nhưng cũng có những tác động gián tiếp và lâu dài đối với môi trường. Các ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đến môi trường có thể bao gồm:

1. Tác động đến hệ sinh thái
Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều trang trại chăn nuôi lợn sẽ phải tiêu hủy hoặc bỏ đi lượng lớn lợn mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh. Điều này có thể dẫn đến việc quản lý chất thải và xác động vật trở thành vấn đề môi trường nghiêm trọng. Nếu không xử lý đúng cách, xác lợn có thể thải ra các chất độc hại hoặc mầm bệnh vào đất và nguồn nước, làm ô nhiễm môi trường.

2. Sự thay đổi trong việc sử dụng đất
Khi dịch bệnh tàn phá ngành chăn nuôi, một số trang trại có thể bỏ trống hoặc chuyển đổi sang các hình thức canh tác khác. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi trong việc sử dụng đất, với nguy cơ mất cân bằng sinh thái, làm giảm tính đa dạng sinh học hoặc làm gia tăng việc phá rừng để lấy đất nông nghiệp.

3. Tác động đến nguồn nước
Quản lý chất thải từ động vật là một thách thức lớn trong quá trình tiêu hủy lợn bệnh. Nếu các phương pháp xử lý chất thải không đúng cách, các chất thải này có thể làm ô nhiễm nguồn nước ngầm hoặc bề mặt, gây ảnh hưởng đến chất lượng nước, ảnh hưởng đến sinh vật thủy sinh và các cộng đồng phụ thuộc vào nước cho sinh hoạt và sản xuất.

4. Ảnh hưởng đến sức khỏe đất
Việc tiêu hủy lợn và các sản phẩm từ lợn có thể làm giảm sự giàu có của đất, nhất là khi những xác động vật bị vứt bỏ hoặc không được xử lý đúng cách. Điều này có thể làm giảm chất lượng đất và ảnh hưởng đến khả năng canh tác, đặc biệt là trong các khu vực có mật độ chăn nuôi cao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh gấp rút ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.