Căn cứ vào dữ liệu vệ tinh và tài liệu nghiên cứu về sức khỏe của rừng trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học nhận thấy tỷ lệ chết của cây cổ thụ trong những khu rừng trên khắp thế giới đang tăng lên – đặc biệt là rừng già – khiến chúng dần bị chi phối bởi các cây trẻ hơn và thấp hơn.
Do đó, tổng sinh khối của các khu rừng trên toàn cầu sẽ giảm xuống.
“Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra với sự nóng lên của khí hậu. Một hành tinh trong tương lai với ít khu rừng già rộng lớn sẽ rất khác so với những gì chúng ta đã quen thuộc. Các khu rừng già thường có sự đa dạng sinh học cao hơn nhiều so với các khu rừng trẻ và chúng lưu trữ nhiều carbon hơn”, Nate McDowell, tác giả chính của nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương (Mỹ), cho biết.
Các yếu tố căng thẳng môi trường như cháy rừng, phá rừng, côn trùng hay dịch bệnh đã làm mất tính ổn định của rừng trên toàn cầu. Chúng gây hại những cây lâu năm nhưng mặt khác lại tạo cơ hội cho cây con phát triển.
Cây rừng trên khắp thế giới đang bị trẻ hóa
Rừng đóng một vai trò quan trọng trong các chu trình cacbon của hệ sinh thái toàn cầu, hút và lưu trữ một lượng lớn carbon dioxide. Trên hết, chúng cũng là nơi có lượng đa dạng sinh học đáng kinh ngạc, có thể giúp điều chỉnh lượng mưa và có thể ngăn chặn lũ lụt.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng những khu rừng trẻ hơn không có khả năng hoàn thành các vai trò này. Điều đó có thể gây ra một vòng luẩn quẩn thúc đẩy những thay đổi môi trường hơn nữa.
Khi cấu trúc và sinh khối rừng trải qua những thay đổi mạnh mẽ, toàn bộ hệ sinh thái có thể cũng thay đổi theo, đe dọa các loài động, thực vật hoang dã sống bên trong. “Thật không may, xu hướng này được dự đoán là sẽ tiếp tục gia tăng về tuần suất và mức độ nghiêm trọng trong thập kỷ tới”, McDowell nói thêm.
Ngọc Ánh