Các nước châu Á tăng cường nhiều biện pháp chống ô nhiễm không khí

Theo Nhân dân|15/04/2019 10:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Quốc hội Hàn Quốc gần đây đã thông qua tám dự luật liên quan tình trạng bụi mịn nồng độ cao trong không khí tại quốc gia Ðông Á này. Mật độ bụi mịn trung bình ở thủ đô Seoul trong tháng 3 đã chạm ngưỡng cao kỷ lục kể từ năm 2015. Trước tình hình cấp bách này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề xuất thành lập ngân sách bổ sung nhằm đối phó bụi mịn, cũng như yêu cầu các ban, ngành xem xét việc đóng cửa những nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá đã hoạt động hơn 30 năm.

– Thời gian qua, các thành phố lớn tại khu vực châu Á phải đối mặt với tình trạng bụi mịn dày đặc – một dấu hiệu đáng báo động về vấn đề ô nhiễm không khí, gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân. Trước tình hình này, nhiều nước đã khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm giảm nồng độ bụi mịn, cũng như nâng cao nhận thức của người dân trong cuộc chiến đẩy lùi tình trạng ô nhiễm không khí.

>>>Hà Nội nỗ lực cải thiện chất lượng không khí

>>>Hơn 90% người châu Á phải sống trong bầu không khí ô nhiễm

>>>Tăng cường kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị

Hơn 90% người dân châu Á sống trong bầu không khí bị ô nhiễm, nên cần có nhiều biện pháp hạn chế tác động của nồng độ bụi mịn

Cùng với Hàn Quốc, nhiều quốc gia châu Á khác như Thái-lan, Ấn Ðộ… cũng quyết liệt thực hiện các biện pháp hạn chế tình trạng ô nhiễm khói bụi, bảo vệ sức khỏe người dân. Chính quyền thủ đô Băng-cốc của Thái-lan triển khai vòi rồng phun nước vào không khí, đồng thời cung cấp khẩu trang cho người dân để đối phó màn sương khói bao trùm thành phố. Thái-lan cam kết sẽ tận dụng mọi nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông công cộng và thúc đẩy việc sử dụng các loại phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Các số liệu của Chính phủ Thái-lan cho thấy, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại tỉnh Chiềng Rai của quốc gia Ðông – Nam Á này thời gian qua liên tục chạm ngưỡng có hại cho sức khỏe, cụ thể là từ mức 240 đến 250, khiến người dân nơi đây được khuyến cáo đeo khẩu trang chống độc. Còn tại Ấn Ðộ, chính quyền thành phố Niu Ðê-li cho biết, sẽ tích cực áp dụng các biện pháp giảm ô nhiễm như cấm đốt rác và rơm rạ, hạn chế các hoạt động xây dựng, cấm xe tải đi vào thành phố, tăng tần suất hoạt động của giao thông công cộng…

Vấn đề ô nhiễm không khí không phải là vấn đề xa lạ đối với các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian qua, châu Á là khu vực trọng tâm trong cuộc chiến toàn cầu nhằm kiềm chế ô nhiễm không khí. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 90% số người chết liên quan tới ô nhiễm không khí xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, phần lớn thuộc châu Á và châu Phi, theo sau đó là ở khu vực Ðịa Trung Hải, châu Âu và châu Mỹ. WHO cảnh báo, trên thế giới, cứ trung bình 10 người lại có chín người đang hít thở không khí chứa hàm lượng chất gây ô nhiễm cao. Tuy nhiên, điều đáng nói là, nhận thức của người dân khu vực châu Á về nguyên nhân của vấn đề ô nhiễm không khí chưa thật sự toàn diện. Theo Tổ chức tư vấn y tế công cộng Vital Strategies (có trụ sở tại Mỹ), sau khi phân tích hơn 500 nghìn bài báo và các bài đăng trên mạng xã hội về ô nhiễm môi trường tại 11 nước thuộc khu vực Nam Á và Ðông – Nam Á, các nhà khoa học nhận thấy, những cuộc tranh luận về nguyên nhân ô nhiễm không khí trên các diễn đàn phần lớn chỉ tập trung vào khí phát thải từ các loại phương tiện giao thông.

Trong khi đó, những nguyên nhân khác dẫn đến ô nhiễm không khí như khói bụi từ nhà máy nhiệt điện, các công trường xây dựng, pháo hoa, đốt nương rẫy, cháy rừng… lại không được đề cập nhiều. Các bài viết cũng chỉ nhắc tới những hậu quả trực tiếp của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe như đau mắt, ho… chứ không đề cập các nguy cơ sức khỏe về lâu dài như ung thư, đột quỵ, bệnh tim mạch…

Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc D.Tsering cho rằng, phát triển kinh tế không có nghĩa là người dân phải sống trong một thành phố có chất lượng không khí kém. Theo bà D.Tsering, các quốc gia cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ và đầu tư chi phí nhằm hạn chế ô nhiễm không khí. Cuộc chiến chống ô nhiễm không khí không phải cuộc chiến của riêng ai, mà cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, bao gồm việc tích cực triển khai các kế hoạch cải thiện chất lượng không khí của các cấp chính quyền, cũng như chủ động tham gia bảo vệ môi trường sống của người dân các nước.

Theo Nhân dân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Các nước châu Á tăng cường nhiều biện pháp chống ô nhiễm không khí
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.