Các tỉnh ĐBSCL ra quân phát động Tết trồng cây

Hoàng Linh|30/01/2023 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023, các địa phương đã phát động sản xuất, thành lập các đoàn công tác thăm đồng, động viên người lao động và phát động Tết trồng cây.

Tại tỉnh Hậu Giang, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành đã dành buổi sáng trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đi thăm đồng, thăm vườn cây ăn trái cùng nhà nông, thăm cơ sở sản xuất, chế biến nông, thủy sản để động viên ra quân sản xuất. Đồng thời, tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Quý Mão 2023.

Ngay từ sáng sớm, các đại biểu đã có mặt tại nút giao đường Võ Văn Kiệt và đường 1/5 nối dài, thuộc phường V, TP Vị Thanh để tham dự lễ phát động và trồng trồng 200 cây sao để tạo cảnh quan môi trường đô thị. Đây là điểm phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” điểm của tỉnh nhằm ôn lại truyền thống Tết trồng cây đã được Bác Hồ phát động cách nay 64 năm (năm 1959). Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, trong đợt phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm nay, toàn tỉnh trồng mới được 600 cây xanh gồm sao, dầu, giáng hương, bằng lăng.

\Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang và ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã dẫn đầu đoàn công tác đi thăm đồng, ra quân sản xuất và chúc Tết đầu năm. Tại cánh đồng lớn sản xuất lúa theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường (thuộc xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy), đoàn đã nghe bà con nông dân chia sẻ về quy trình sản xuất lúa theo hướng thông minh, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm tiết giảm chi phí đầu tư, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và liên kết tạo chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, vụ lúa đông xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh xuống giống được 75.500ha, hiện lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng và trổ - chín, thời tiết thuận lợi, lúa phát triển tốt.

tet-trong-cay.jpg
Ảnh minh họa

Tiếp đó, đoàn công tác đã đến tham quan vườn cây ăn trái chuyên canh của nông dân ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy. Vườn sầu riêng rộng 4ha, với 700 gốc đang ra bông cho trái của ông Trần Ngọc Tàu được xem là mô hình điểm của huyện Vị Thủy trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Lãnh đạo tỉnh cũng đến thăm Hợp tác xã Hậu Giang Xanh (ở khu vực 3, phường V, TP Vị Thanh), nơi được xem là trung tâm kinh doanh sản phẩm OCOP của tỉnh. Đơn vị này đã có nhiều sản phẩm được chế biến từ cá thát lát được tỉnh Hậu Giang công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Với phương châm “2 nhanh” và “3 tốt” là giải phóng mặt bằng nhanh, thủ tục đầu tư nhanh, cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm…

Tại Kiên Giang, lãnh đạo tỉnh cũng đã thành lập đoàn đến thăm một số doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh và một số công trình trọng điểm đang xây dựng trên địa bàn tỉnh nhân dịp đầu năm mới. Tại khu công nghiệp Cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành), đoàn đã đến thăm Công ty TNHH Huy Nam, một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu. Theo đại diện Công ty Huy Nam, năm 2022, đơn vị đã nỗ lực vượt khó khăn, duy trì ổn định sản xuất, với kim ngạch xuất khẩu đạt 48,3 triệu USD, vượt chỉ tiêu tỉnh giao 18,3 triệu USD.

Tiếp đến, đoàn đã đến thăm và động viên công nhân Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang (Khu công nghiệp Thạnh Lộc). Năm 2022, Công ty đã hoàn thành kế hoạch sản xuất năm trước kế hoạch 50 ngày, tổng doanh thu đạt hơn 868 tỷ đồng, lợi nhuận 33,4 tỷ đồng, cao hơn 30% so kế hoạch. Lãnh đạo tỉnh cũng tới thăm công trình khu đô thị đảo nhân tạo Phú Cường Hoàng Gia và công trình Bệnh viện Ung bướu tỉnh Kiên Giang.

Thăm các đơn vị, doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã tặng quà và lì xì cho công nhân, người lao động nhằm khích lệ tinh thần ra quân sản xuất, bắt tay vào việc ngay sau kỳ nghỉ Tết dài ngày. Đại diện các doanh nghiệp cho biết, năm 2022, dù gặp khó khăn nhưng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện kịp thời của tỉnh nên phần lớn các doanh nghiệp đều duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là động lực rất lớn để các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các doanh nghiệp trong thời gian qua. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã lỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh có tăng trưởng, tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động, góp phần giúp tăng trưởng chung tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang chúc các doanh nghiệp và toàn thể người lao động nhiều sức khỏe, bắt tay vào việc ngay và đạt được những thắng lợi mới trong năm 2023.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các tỉnh ĐBSCL ra quân phát động Tết trồng cây