Cần có giải pháp trong quản lý hoạt động thu gom rác thải điện tử

Thế Đoàn|09/12/2022 10:46
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những con số đáng báo động về lượng rác thải điện tử (RTĐT) hàng ngày được thải ra môi trường đang dấy lên mối lo ngại lớn đối với môi trường sống và sức khỏe người dân. Trong khi ngành công nghiệp điện tử ngày càng phát triển thì việc thu gom, tái chế, xử lý RTĐT vẫn chưa mang lại hiệu quả.

VIDEO: Cần có giải pháp trong quản lý hoạt động thu gom rác thải điện tử

Báo động ngành nghề xử lý RTĐT tự phát

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), lượng chất thải điện tử ở Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 100.000 tấn, chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình (đồ gia dụng điện tử), văn phòng (máy tính, máy in, máy photocopy,...). Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta, lượng RTĐT trong những năm tới có thể đạt gấp nhiều lần hiện nay, tuy nhiên, việc kiểm soát, xử lý RTĐT chưa được chặt chẽ.

W_rac-thai-dien-tu-1.jpg
Nghề thu gom, bóc tách rác thải điện tử đang nổi lên ở một số vùng quê

Các loại rác thải điện tử như tủ lạnh, máy giặt, tivi, bình ắc quy,… khi không còn sử dụng được, chủ yếu được thu gom qua các nguồn không chính thức từ những người thu mua đồng nát, ve chai rồi chuyển đến các làng nghề để tái chế. Tại các làng nghề này, những thiết bị điện tử sẽ được tháo gỡ các bộ phận bên trong để lấy đồng, sắt, phần còn lại được đổ, đốt bừa bãi ngoài môi trường. Việc làm này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà chính những lao động làm nghề này sẽ chịu ảnh hưởng về sức khỏe đầu tiên.

W_rac-thai-dien-tu-2.jpg
Việc thu gom, tái chế rác thải điện tử mang tính tự phát, chưa được quản lý hiệu quả

Được mệnh danh là "thủ phủ" thu gom RTĐT của miền Bắc, xã Cẩm Xá (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) là một trong những nơi thu gom, tháo dỡ, xử lý RTĐT lớn nhất cả nước. Quy mô làng nghề tự phát ngày càng lớn giúp kinh tế người dân phát triển, nhưng vấn đề an toàn lao động, sức khỏe người dân và ô nhiễm môi trường lại trở thành "gánh nặng".

Hiện nay, trên địa bàn xã Cẩm Xá có 69 cơ sở và nhiều hộ dân làm nghề thu mua, bóc tách rác thải điện tử, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Tại đây, rác thải điện tử được bóc tách và tận thu những chi tiết điện tử có thể tái sử dụng như nhựa, kim loại, các bo mạch điện tử,… Tùy theo mục đích sử dụng, người dân sẽ phân loại ra và chuyển tiếp đến các làng nghề tái chế tại Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng hoặc có thể xuất khẩu sang Trung Quốc.

W_rac-thai-dien-tu-3.jpg
Người dân dùng tay để đập, bóc tách các thiết bị điện tử

Bà Đặng Thị Xuyến ở xã Cẩm Xá đã làm nghề phân loại, bóc tách rác thải điện tử gần 20 năm nay cho biết, hàng ngày đều thực hiện công việc này bằng tay, cái nào cứng quá thì dùng máy khoan để chia thành từng loại khác nhau, nhựa để riêng, các bo mạch điện tử để riêng,… Sau khi phân loại thì sẽ có người đến cân lên và chuyển đi nơi khác. Hôm nào hàng nhiều thì tách được vài tạ, ít thì được mấy chục cân. Thu nhập hàng tháng dao động từ 3 - 6 triệu đồng.

Khi được hỏi về tình trạng sức khỏe và những nguy cơ tiềm ẩn của nghề này, bà Xuyến chỉ ậm ừ cho rằng vì cuộc sống mưu sinh, bây giờ tuổi đã cao, nếu không làm việc này thì không biết phải làm gì?
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các doanh nghiệp tái chế, xử lý rác thải điện tử trên thế giới đều phải đầu tư rất lớn về trang thiết bị, để hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa con người với RTĐT. Bởi vì RTĐT chứa nhiều chất độc hại như chì, thủy ngân,… khi con người vô tình chạm phải thì khả năng phơi nhiễm rất cao.

Tại các cơ sở tự phát, người dân đập để bóc tách thì sẽ gây bụi, và lầm tưởng đeo khẩu trang sẽ ngăn được, nhưng thực tế đã có nhiều trường hợp bị choáng váng ngay, hoặc tác động từ từ mà mọi người chủ quan, xem nhẹ. Theo khảo sát thì tại các làng nghề tái chế RTĐT, sức khỏe của người dân sẽ không được tốt, tỉ lệ bệnh tật cao (bệnh về da, hô hấp, ung thư,…) và có thể ảnh hưởng đến các thế hệ sau.

Lợi nhuận mang đi, nhiều hệ lụy để lại

Theo các nhà khoa học, các thiết bị điện, điện tử có chứa hỗn hợp phức tạp các vật liệu thành phần và các chất khác nhau, một số chất trong hỗn hợp này có hại cho sức khỏe con người và môi trường, nhất là khi thiết bị được tháo tung ra. Trong quá trình xử lý rác thải điện tử để thu hồi các vật liệu có giá trị như đồng, vàng, người lao động có nguy cơ tiếp xúc với hơn 1.000 chất độc hại, bao gồm chì, thủy ngân, niken, chất chống cháy brom hóa và hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs).

W_rac-thai-dien-tu-4.jpg
Những linh kiện không sử dụng được sẽ bị đổ trộm, đốt trộm gây ô nhiễm môi trường

Sau quá trình bóc tách, đối với phần rác thải điện tử không bán được, người dân lại chở bằng xe ô tô ra bãi rác sinh hoạt để vứt, sau đó đốt gây khói đen sì, mùi khét nồng nặc. Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn nhưng tình trạng trên vẫn thường xuyên diễn ra.

W_rac-thai-dien-tu-5.jpg
Bãi rác thải sinh hoạt phải “gánh” thêm hàng chục tấn rác thải điện tử

Theo ông Phạm Đức Tuynh – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Xá cho biết, nghề bóc tách RTĐT ở địa phương trước đây chỉ có một số hộ làm nhỏ lẻ, sau đó vì thấy lợi nhuận cao nên nhiều hộ khác làm theo. Đây không thể gọi là làng nghề, vì nghề này hoàn toàn tự phát và gây ảnh hưởng đến môi trường, cũng như chính sức khỏe của người dân. Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền cho các hộ dân chuyển đổi dần ngành nghề, bên cạnh đó cũng quyết liệt xử lý tình trạnh vận chuyển, đổ trộm RTĐT. Tuy nhiên, trong khi người dân vẫn mưu sinh bằng nghề này, cũng mong muốn các cấp, các ngành xem xét quy hoạch một bãi tập kết rác thải công nghiệp riêng, sau đó sẽ có bên công ty chuyên vận chuyển, xử lý RTĐT theo quy định, không làm ảnh hưởng đến môi trường.

Trong khi chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay, tìm hướng giải quyết cho vấn đề này, thì hàng ngày những người dân nơi đây vẫn phải chịu nhiều hệ lụy nghiêm trọng từ vấn nạn tái chế RTĐT ở địa phương.

Ông Vũ Văn Ánh ở thôn Bùi, xã Cẩm Xá bức xúc: “Buổi tối đi ngủ chúng tôi không dám mở cửa sổ vì mùi khét tức ngực, trẻ con sáng dậy là ho. Bản thân tôi đi làm đồng bị mảnh thủy tinh ở tivi cứa vào chân, gần một năm vẫn chưa lành. Nguyên nhân là vì các hộ dân tái chế rác thải điện tử, xong cái gì không bán được là đem đổ trộm, đem đốt. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên chính quyền nhưng bao nhiêu năm nay không giải quyết được.”

W_rac-thai-dien-tu-6.jpg
Nghề thu gom rác thải điện tử có thu nhập cao nên nhiều người vẫn chủ quan, thờ ơ với chính sức khỏe của bản thân

Theo Báo cáo “Trẻ em và rác thải điện tử” tháng 6/2021 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe của trẻ em, trẻ vị thành niên và phụ nữ mang thai đang bị đe dọa bởi quy trình xử lý không hợp chuẩn các thiết bị điện và điện tử. Tổ chức này cũng kêu gọi cộng đồng y tế ở nhiều quốc gia cùng hành động nhằm giảm thiểu các tác động xấu của chất thải điện tử đến sức khỏe bằng cách nâng cao năng lực của ngành y tế trong việc chẩn đoán, giám sát và ngăn ngừa phơi nhiễm chất độc ở trẻ em và phụ nữ; nâng cao nhận thức về những lợi ích tiềm năng của việc tái chế hiệu quả, hợp tác với các cộng đồng bị ảnh hưởng và vận động để có dữ liệu và nghiên cứu sức khỏe tốt hơn về các nguy cơ sức khỏe mà những người làm công tác xử lý rác thải điện tử phải đối mặt.

Tại Việt Nam, chất thải điện tử hiện đang được xếp vào nhóm chất thải nguy hại. Theo Quyết định 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, từ ngày 1/1/2015, nhiều sản phẩm điện tử như máy vi tính, điện thoại di động, máy chụp ảnh, máy quay phim, máy tính bảng hết hạn sử dụng sẽ phải tiến hành thu hồi. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể việc quản lý, xử lý những loại chất thải điện tử này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có giải pháp trong quản lý hoạt động thu gom rác thải điện tử