Biến đổi khí hậu

Cần tạo điều kiện để tư nhân và cộng đồng đầu tư vào thích ứng khí hậu

Thanh Thanh 27/05/2025 14:00

Hiện tượng nắng nóng gay gắt xen kẽ với những đợt mưa cực đoan trong một thời gian ngắn đang gây nên áp lực lớn lên đời sống hàng ngày của người dân, đặc biệt là tại các tỉnh, thành khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

Thực tế này đòi hỏi các nỗ lực tăng trưởng cần hướng tới phát triển xanh hơn, đồng thời cần lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu trong mọi chiến lược kinh tế - xã hội.

Nắng nóng xen kẽ mưa lớn cực đoan bất thường

Tỉnh Hà Tĩnh đã và đang ghi nhận thiệt hại nặng sau trận mưa lũ đầu mùa vào cuối tuần qua. Cụ thể, theo Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, từ nửa đêm 24 đến 5h sáng 25/5, địa bàn mưa to, lượng mưa tại một số nơi vượt 300mm như thị trấn Cẩm Xuyên, hồ Kẻ Gỗ, Thạch Xuân, hồ Thượng Sông Trí, Kỳ Bắc...

Diễn biến bất ngờ khiến nhiều người dân chỉ kịp sơ tán đi nơi khác tránh trú. Thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng về thiệt hại vật chất, mưa lớn kèm lũ quét khiến hơn 2.000 tấn lúa đã thu hoạch ngấm nước, hơn 2.200ha lúa xuân bị ngập, gần 12.000 gia cầm và gia súc tại nhiều huyện bị cuốn trôi.

capture.png
Ảnh minh họa

Trước đó, tại một số tỉnh như Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, mưa lớn đã gây ngập úng, sạt lở, ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Theo cơ quan dự báo thời tiết, nền đất ở vùng núi phía Bắc đã bão hòa nước do ảnh hưởng của mưa lớn trước đó; do vậy chỉ cần mưa cường độ cao trong thời gian ngắn cũng đủ để gây ra các trận lũ quét hoặc sạt lở đất nghiêm trọng.

Theo đó, các địa phương như Bắc Kạn, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang và Tuyên Quang đều đang đứng trước nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất, lũ quét bất ngờ, nhất là tại các tuyến đường đèo dốc, khu vực ven sông, suối. Không chỉ riêng miền núi, các đô thị tại khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ như Hải Phòng, Quảng Ninh cũng có nguy cơ xảy ra tình trạng ngập úng khi mưa lớn bất thường.

Những đợt mưa lớn này một lần nữa cho thấy tác động ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu. Mưa không còn phân bố đều theo mùa mà xuất hiện bất ngờ, dồn dập với cường độ lớn, gây khó khăn cho sản xuất và phòng, chống thiên tai. Nắng nóng xen kẽ với mưa lớn khiến môi trường tự nhiên và hoạt động nông nghiệp khó thích nghi.

Các chuyên gia kêu gọi cần sớm quy hoạch lại hạ tầng phòng, chống thiên tai, đặc biệt tại miền núi phía Bắc; đồng thời tăng cường tập huấn cộng đồng, triển khai hệ thống cảnh báo sớm và nâng cao vai trò của chính quyền cơ sở trong hỗ trợ ứng phó thiên tai. Trong bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan, sự chủ động và chuẩn bị kỹ lưỡng là yếu tố then chốt để giảm thiểu thiệt hại cho người dân và cộng đồng.

Chính sách đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực ứng phó

Theo Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) - “Việt Nam 2045 - Tăng trưởng xanh hơn: Con đường hướng tới tương lai bền vững” - biến đổi khí hậu có thể làm giảm ít nhất 12,5% GDP của Việt Nam vào năm 2050 nếu không có các biện pháp thích ứng mạnh mẽ. Tác động này đe dọa nghiêm trọng đến mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

WB đã phân tích 3 kênh tác động chính có thể định lượng được: tổn thất năng suất lao động do căng thẳng nhiệt, thiệt hại cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng đến nông nghiệp. Trong đó, khảo sát năm 2024 chỉ ra rằng khoảng 75% doanh nghiệp trong ngành may mặc và điện tử - hai lĩnh vực xuất khẩu chủ lực, hoạt động tại các khu vực thường xuyên có nhiệt độ cao.

Điều này khiến 1,3 triệu lao động rơi vào nhóm dễ bị tổn thương. Dù trong kịch bản phát thải khí nhà kính trung bình RCP4.5 - khi lượng phát thải toàn cầu đạt đỉnh vào khoảng năm 2040 rồi giảm dần - Việt Nam vẫn được dự báo sẽ mất 9,1% GDP vào năm 2035 và 12,5% vào năm 2050 chỉ từ ba kênh tác động trên.

Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt và nước dâng do bão ngày càng mạnh hơn và thường xuyên hơn, phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng và tài sản. Thiên tai có thể khiến Việt Nam mất thêm khoảng 1% GDP mỗi năm và gây thiệt hại đến 2,5% GDP.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất nước - mực nước biển có thể dâng 75 - 100cm vào năm 2050, khiến gần một nửa diện tích khu vực bị ngập. Điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, làm giảm thu nhập và kìm hãm quá trình giảm nghèo, trong bối cảnh hiện tại khoảng 25% dân số nơi đây vẫn đang sống dưới ngưỡng nghèo.

Để đối phó với các tác động này, WB ước tính Việt Nam cần đầu tư tăng thêm khoảng 233 tỷ USD trong giai đoạn 2025 - 2050, tương đương khoảng 0,75% GDP mỗi năm. Nếu thực hiện tốt các khoản đầu tư thích ứng trong quản lý rủi ro thiên tai, đô thị, giao thông và nông nghiệp, tổn thất GDP vào năm 2050 có thể giảm từ 12,5% xuống còn 6,7%. Bà Mariam J. Sherman - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam,

Campuchia và Lào nhận định: “Việt Nam hoàn toàn có thể triển khai nhiều biện pháp ngay từ bây giờ để bảo vệ cộng đồng, đất đai và hạ tầng trước các cú sốc khí hậu. Điều then chốt là phải xây dựng chính sách phù hợp, khuyến khích doanh nghiệp và người dân chủ động thích ứng”.

Báo cáo của WB khuyến nghị, giai đoạn 2026 - 2030, Chính phủ Việt Nam nên đóng vai trò xây dựng khung chính sách thuận lợi, tạo điều kiện để khu vực tư nhân và cộng đồng đầu tư vào thích ứng khí hậu. Các giải pháp nên hướng tới những lợi ích tổng hợp: giảm thiểu rủi ro thiên tai, nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường sống và tăng khả năng chống chịu xã hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cần tạo điều kiện để tư nhân và cộng đồng đầu tư vào thích ứng khí hậu
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.