Cần Thơ: Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong nuôi thủy sản

Vương Anh|31/07/2021 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời gian qua, việc nuôi trồng nhiều loại thủy sản ở Cần Thơ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng tăng.

UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND về phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trong nuôi thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ, giai đoạn 2021-2030.

Việc nuôi cá tra và nhiều loại thủy sản chưa bền vững do dễ gặp các rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.

Kế hoạch nhằm tổ chức phòng, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh trong nuôi thủy sản, tiến tới xây dựng thành công vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh. Từ đó, góp phần phát triển nuôi thủy sản bền vững phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo đó, thành phố chủ động phòng, khống chế các bệnh ở cá tra nuôi, đảm bảo diện tích bị bệnh thấp hơn 5% tổng diện tích nuôi. Đồng thời, chủ động phòng bệnh, giám sát phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên đối tượng thủy sản nuôi khác: cá rô phi, cá rô đồng, cá điêu hồng, tôm càng xanh… không để mầm bệnh lây lan trên diện rộng. Ngành Nông nghiệp thành phố ngăn chặn có hiệu quả một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm và nguy cơ xâm nhiễm của các dịch bệnh mới nổi vào thành phố…

Để đạt được mục tiêu trên, kế hoạch tập trung thực hiện các nhóm nội dung và giải pháp: phòng bệnh và khống chế có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành; kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản từ ngoài vào thành phố; xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; tăng cường chẩn đoán và xét nghiệm bệnh thủy sản; tăng cường năng lực quan trắc và cảnh báo môi trường trong nuôi thủy sản; thông tin tuyên truyền và phổ biến kiến thức…

Trong đó tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực như tôm, cá tra và đối tượng có giá trị cao như tôm hùm, cá hồi, cũng như đối tượng có sản lượng nuôi nhiều là cá rô phi, nghêu. Kiểm soát hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành, kiểm soát tỷ lệ diện tích thủy sản nuôi bị dịch bệnh ở mức thấp hơn 3% tổng diện tích thả nuôi. Giám sát chủ động một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên thủy sản và xây dựng bản đồ dịch tễ lưu hành bệnh. Ngăn chặn có hiệu quả những bệnh nguy hiểm mới có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam. Nâng cao chất lượng công tác phòng, chống và cảnh báo dịch bệnh nhằm góp phần phát triển ngành thủy sản bền vững và đẩy mạnh xuất khẩu.

Ngoài ra, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản; thông tin kịp thời chính xác về tình hình dịch bệnh, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật; những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sức khỏe, tính mạng của con người; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; Tổ chức tuyên truyền chuyên đề về các đợt tiêm phòng vắc xin, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường,…

Vương Anh 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cần Thơ: Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong nuôi thủy sản
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.