Với vai trò là cơ quan chuyên môn, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ tập có nhiệm vụ tham mưu UBND thành phố thể chế hóa các chính sách, pháp luật lĩnh vực TN&MT phù hợp với thực tiễn địa phương. Ðồng thời, đề ra những chương trình, giải pháp hành động cụ thể, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ liên quan đến lĩnh vực đất đai; tổ chức thực hiện Quyết định số 10/2022/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô 500ha. Bên cạnh đó, hoàn chỉnh nội dung Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) TP Cần Thơ để UBND thành phố trình Bộ TN&MT thẩm định. Sở phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thành việc tích hợp các hợp phần lĩnh vực TN&MT vào quy hoạch phát triển TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Nắm bắt tình hình và phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý TN&MT ở địa phương…
Theo đó, việc giao đất, cho thuê đất được triển khai thực hiện kịp thời hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Trong 9 tháng năm 2022, Sở đã trình UBND thành phố giao đất cho 29 trường hợp với diện tích 11,03ha; cho thuê đất 5 trường hợp với diện tích 50,39ha; chuyển mục đích sử dụng đất 2 trường hợp với diện tích 0,87ha và thu hồi đất 13 trường hợp với diện tích 11,09ha. Cùng đó, thực hiện thẩm định 85 hồ sơ trích đo địa chính với tổng diện tích 217,95ha để phục vụ công tác khai thác quỹ đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, xin chủ trương chuyển nhượng và chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… cho các đơn vị, tổ chức trên địa bàn thành phố.
Trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường, ngành Tài nguyên và Môi trường thành phố tập trung triển khai các giải pháp để đưa công tác quản lý nhà nước về môi trường đi vào khuôn khổ, nề nếp. Cụ thể, triển khai quyết liệt các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý các loại chất thải, nâng tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị lên 98,42%; chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại, chất thải y tế được thu gom đúng quy định. TP Cần Thơ đã lắp đặt 5 trạm quan trắc tự động, trong đó có 4 trạm quan trắc nước mặt, góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, đánh giá chất lượng môi trường không khí, nước, diễn biến xâm nhập mặn. Mặt khác, Sở TN&MT TP Cần Thơ chủ động đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để triển khai các dự án bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó phải kể đến triển khai thực hiện dự án thu gom tự động rác nổi trên sông tại TP Cần Thơ; thí điểm dự án vì sông MeKong không rác - thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi trên địa bàn thành phố…
Ðối với việc cấp phép khai thác tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn, ngành TN&MT TP Cần Thơ đã thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Ðồng thời, chủ động điều tra, đánh giá trữ lượng, khu vực cấp phép khai thác; có phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, nhất là các khu vực có địa bàn giáp ranh để ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm trong các hoạt động khoáng sản, đảm bảo sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, Sở TN&MT thành phố đã ban hành đầy đủ các kế hoạch về cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính trong năm 2022; tổ chức thực hiện việc chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch được giao, thời gian còn lại của năm 2022, Sở TN&MT TP Cần Thơ đề ra một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện. Theo ông Ðỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, Sở tập trung triển khai các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đến các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố; kịp thời cập nhật các quy định, chính sách mới về bảo vệ môi trường. Qua đó, nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường ở địa phương.
Bên cạnh đó, lập kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất đối với các khu đất công đang quản lý nhằm tạo nguồn thu ngân sách; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm. Sở triển khai thẩm định và trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện theo đúng quy định; tham mưu tổng hợp danh mục các dự án cần thu hồi đất và các dự án chuyển mục đích sử dụng đất năm 2023 để trình HÐND thành phố tại kỳ họp cuối năm 2022; xây dựng dự thảo quyết định quy định về quản lý và sử dụng quỹ đất do Nhà nước quản lý trên địa bàn thành phố.
Ngành TN&MT thành phố tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ðồng thời, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế… Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở địa phương…