Cần Thơ là đô thị đặc trưng, được bao quanh bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, hình thành nên không gian văn hóa sông nước từ bao đời. Bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng cùng nhiều lễ hội văn hóa – lịch sử đã trở thành những “thương hiệu” thu hút du khách trong và ngoài nước.
Những năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và nhiều khu công nghiệp mới được hình thành, kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt ngày một gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân và chiến lược phát triển du lịch của thành phố Cần Thơ.
Bến Ninh Kiều – địa danh du lịch nổi tiếng, là biểu tượng về nét đẹp thơ mộng bên bờ sông Hậu, đang bị đe dọa trực tiếp bởi tình trạng ô nhiễm. Những chiếc ghe, những du thuyền phục vụ du khách đã được đầu tư mới, an toàn và hiện đại. Tuy nhiên, dưới lòng sông, hai bên mạn ghe vẫn bị bủa vây bởi rác thải sinh hoạt (túi ni lông, vỏ hộp sữa…) xen lẫn trong lớp lục bình dày đặc. Sự nhếch nhác, ô nhiễm vẫn còn hiện hữu.
Khúc sông Hậu đoạn từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng chừng hơn 4km. Hai bên bờ, tình trạng cơi nới, xây dựng lấn chiếm lòng sông vẫn còn phổ biến. Cùng với đó, rác và nước thải bị người dân và các cơ sở chế biến, sản xuất nhỏ xả thẳng ra dọc bờ sông, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mĩ quan.
Nhiều du khách khi tham quan chợ nổi Cái Răng bằng ghe, thuyền trên sông Hậu đã tỏ ra ái ngại về tình trạng này. Họ kỳ vọng vào những chuyến du lịch sông nước thú vị, được ngắm những vườn cây trái sum suê, dòng sông mát lành và đô thị ven sông văn minh, sạch đẹp, thay vì rác thải tràn lan và tình trạng xây dựng lộn xộn, lấn chiếm lòng sông như hiện nay.
Vườn trái cây Cái Sơn (phường An Bình, quận Ninh Kiều) cũng là điểm du lịch được du khách quan tâm mỗi khi tới Cần Thơ. Điểm du lịch này đang được đầu tư xây dựng khá bài bản, có vườn cây trái, khu ẩm thực và gian hàng lưu niệm phục vụ du khách.
Thế nhưng, ngay trước lối vào điểm du lịch, bên con rạch Cái Sơn, đập vào mắt du khách là ngổn ngang rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng. Người dân và các cơ sở sản xuất thiếu ý thức đã xả rác thải xuống dòng sông, kênh rạch. Rác “di cư” theo con nước và dạt vào hai bên bờ, tạo nên những bờ sông, bờ rạch nhếch nhác và bẩn thỉu.
Tháng 9/2018, báo cáo với Đoàn giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ cho rằng: Khối lượng rác thải sinh hoạt lớn (khoảng 650 tấn/ngày), việc thu gom và xử lý rác còn mang tính thủ công là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị gia tăng.
Mặt khác, dấu hiệu ô nhiễm môi trường nước mặt khu vực đô thị của thành phố Cần Thơ cũng ngày càng tăng do các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các khu chợ còn xả thải nước chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn.
Tại cuộc Hội thảo khoa học “Quản lý và phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long” do Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức vào tháng 6/2018, một con số được đưa ra khiến nhiều người lo ngại, đó là lượng du khách quay trở lại Cần Thơ nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung không quá 20%.
Các chuyên gia về du lịch nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do việc khai thác tiềm năng không đi đôi với bảo vệ, dẫn đến sự suy thoái về nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của du lịch.
Những năm qua, chính quyền thành phố Cần Thơ đã đã đầu tư xây dựng và nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình thuộc kết cấu hạ tầng quan trọng, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển như: Sân bay quốc tế Cần Thơ; bờ kè công viên sông Hậu; cầu đi bộ và công viên Bến Ninh Kiều…
Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững, thành phố Cần Thơ cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn sự gia tăng của tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước ở các sông ngòi, kênh rạch.
Theo báo Thanh Tra