Cần Thơ tăng cường giúp nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu

Hà Linh (T/h)|16/02/2019 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

TP.Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xâm nhập mặn khá sớm, sâu và kéo dài nhưng mức độ ít nghiêm trọng hơn năm 2016. Những tháng đầu năm 2019, các vùng cách cửa sông từ 20km đến 30km sẽ có hiện tượng xâm nhập mặn xuất hiện vượt mức 4‰ vào thời kỳ triều cường, khi triều thấp, chân triều vẫn có thể xuất hiện nước ngọt nhưng khả năng lấy nước ngọt hạn chế.

– Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, mùa khô năm 2018 – 2019 có khả năng thuộc năm thủy văn có dòng chảy nhỏ so với mùa khô năm 2017-2018 và so với trung bình nhiều năm.

>>> Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai

>>> Tây Nguyên: Thiếu nước nghiêm trọng khi bước vào mùa khô 2019

Trong tháng 2 và 3/2019, mặn có thể xâm nhập sâu vào đồng bằng. Tháng 4, nếu có xả nước thượng lưu thì mặn sẽ giảm, trở về như tháng 1, 2. Tháng 5 nếu không có mưa thì độ mặn trên các cửa sông vẫn còn cao như tháng 4 và có khả năng kéo dài sang tháng 6. Vùng cách cửa sông từ 40km đến 60km trở ra mặn 4‰ xâm nhập thường xuyên, nhất là trong các đợt triều cường vùng này vẫn có khả năng lấy nước ngọt khi triều thấp hoặc xả nước tăng cường thượng lưu. Vùng từ 60km trở vào, mặn 4‰ xuất hiện không thường xuyên, chỉ vào lúc triều cường, nên nông dân có thể tranh thủ lấy nước trong thời kỳ này, dự phòng khi khô hạn xuất hiện.

Tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu

Để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong những tháng mùa khô năm 2019, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam khuyến cáo TP.Cần Thơ có kế hoạch triển khai công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn để chủ động ngay từ thời điểm này bằng cách trữ nguồn nước ngọt và chuẩn bị kế hoạch cho công tác phòng chống hạn, mặn. Cùng với đó là chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ hợp lý…

Trước tình hình trên, TP.Cần Thơ đã có những phương án cụ thể nhằm ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, tránh bị thiệt hại về sản xuất nông nghiệp cũng như tác động xấu đến đời sống của người dân địa phương. Thành phố đã tập trung thực hiện Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu của TP.Cần Thơ để ứng phó với xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu gây ra”, giúp tăng cường khả năng chống chịu và giảm nhẹ thiệt hại do nước biển dâng gây ra, củng cố và phát triển hệ thống quan trắc nước mặt của Thành phố, góp phần chuyển tải thông tin về độ mặn nguồn nước kịp thời đến người sử dụng. Hiện 8 trạm quan trắc độ mặn tự động của dự án được đặt ở các địa điểm trên địa bàn TP.Cần Thơ hoạt động khá hiệu quả, cung cấp thông tin kịp thời khi mặn xâm nhập tại các con sông, rạch chính trên địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Cần Thơ cũng đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố này đầu tư dự án Tăng cường năng lực quan trắc và phân tích chất lượng môi trường với trang thiết bị hiện đại để kịp thời dự báo, đánh giá chất lượng môi trường, diễn biến xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường…

Các ngành chức năng cũng tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức cho người dân về nguy cơ, tác động của nhiễm mặn và cung cấp thông tin về độ mặn của nguồn nước tại địa phương cho người dân và các ban, ngành liên quan để kịp thời ứng phó, xây dựng các chiến lược thích ứng…Ở một số khu vực có nguồn nước khó khăn hoặc xa nguồn nước ngọt cần tìm loại cây trồng thay thế chịu hạn, ít sử dụng nước. Tuy nhiên, về lâu dài các địa phương cần có chiến lược cấp nước ngọt cho người dân sử dụng trong sản xuất, trong đó đặc biệt chú ý nâng cấp các kênh chuyển nước ngọt và các trạm bơm hỗ trợ cho các hệ thống ngọt hóa…

Hà Linh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần Thơ tăng cường giúp nông dân ứng phó với biến đổi khí hậu