Cẩn trọng việc tự ý sử dụng thực phẩm “tăng đề kháng” trong dịch COVID-19

Ngọc Ánh|14/02/2020 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo tình trạng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm chức năng trôi nổi trên mạng xã hội để phòng chống bệnh COVID-19.

Theo đó, dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona đang diễn biến phức tạp và đã có một số ca bệnh liên quan tại Việt Nam. Nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe với công dụng hỗ trợ tăng cường sức đề kháng đã quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội, internet quá công dụng, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, “diệt virus, diệt nCoV”.

Thời gian gần đây các loại thuốc, sản phẩm uống tăng đề kháng đang trở nên khá “hot” trên các trang mạng khi nhiều người có nhu cầu bổ sung để giúp trẻ có sức chống chọi với thời tiết giao mùa.

Chỉ cần đánh chữ “thuốc tăng đề kháng” trên google đã cho ra hàng nghìn kết quả, chủ yếu là các trang mạng rao bán sản phẩm tăng sức đề kháng có xuất xứ cả trong và ngoài nước. Trên các diễn đàn, nhiều người cũng truyền tai nhau công dụng của các sản phẩm và “khuyên” nhau mua về dùng mà thậm chí không cần đến thầy thuốc.

Đơn cử như vitamin C được biết là nhóm có thể tăng sức đề kháng trong lúc nhiễm trùng, khi mắc các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, vitamin C đã có từ nhiều nguồn, trong thiên nhiên, thức ăn… những ai có nguồn thức ăn bổ sung tốt thì không cần thiết phải bổ sung bằng thuốc. Hay những thuốc có tác dụng như vaccine, khi dùng có thể kích thích chống lại vi rút, vi khuẩn được chiết xuất từ chính các loại vi rút, vi khuẩn; khi uống vào cơ thể giúp tăng đề kháng nhưng cũng chỉ với từng loại bệnh nhất định chứ không phải bệnh nào cũng dùng được.

Trước các thông tin quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có công dụng hỗ trợ sức khỏe không có tác dụng điều trị bệnh, không có tác dụng diệt virus, trị cảm cúm…

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, việc dùng các loại thuốc tăng cường miễn dịch phải có chỉ định, tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ điều trị; không được tự ý sử dụng dù đó là các loại vitamin hay khoáng chất. Vitamin và nguyên tố vi lượng nên bổ sung bằng thực phẩm ăn hàng ngày như rau xanh, hoa quả…; chỉ bổ sung bằng thuốc khi cơ thể thiếu hụt trầm trọng, nếu dùng thừa sẽ gây rối loạn trong cơ thể. Interferon cũng chỉ dùng khi thật cần thiết và đúng thời điểm sử dụng mới có hiệu quả tăng cường miễn dịch.

Người dân khi mắc các triệu chứng: Sốt, ho phải đến gặp bác sĩ để khám và nhận được chữa trị kịp thời, tránh mất đi “thời gian vàng” trong điều trị bệnh.

Quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản 4 Điều 70 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.00.000 đồng đối với cá nhân và mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, đồng thời phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc cải chính thông tin.

Ngọc Ánh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cẩn trọng việc tự ý sử dụng thực phẩm “tăng đề kháng” trong dịch COVID-19
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.