Cảnh báo 2019 có thể là một trong ba năm nóng nhất lịch sử

Minh Anh (t/h)|04/12/2019 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, năm 2019 nhiệt độ toàn cầu đã ở mức cao hơn 1,1 độ C so với nhiệt độ trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong báo cáo đánh giá thường niên về thực trạng biến đổi khí hậu và năng lực ứng phó của con người công bố ngày 3/12, Liên Hợp quốc nhận định thập kỷ này sẽ là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử. Khí phát thải từ các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, trồng trọt và vận chuyển hàng hóa khiến năm 2019 có nguy cơ phá kỷ lục về mật độ carbon trong khí quyển.

Trong khi đó, các đại dương, vốn hấp thụ tới 90% lượng nhiệt từ khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng đang ghi nhận mức nhiệt kỷ lục. Các vùng biển trên thế giới có mức axít nhiều hơn 25% so với cách đây 150 năm, đe dọa hệ sinh thái biển mà hàng tỷ người trên thế giới đang phụ thuộc để kiếm sống.

Ảnh minh họa

Tháng 10 vừa qua, mực nước biển trên toàn cầu cũng tăng lên mức kỷ lục, do sự tan chảy của 329 tấn băng tại Greenland trong suốt một năm.

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh tần suất xảy ra nắng nóng và lũ lụt đang ngày càng tăng. Với mức nhiệt cao hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, năm 2019 đã ghi nhận nắng nóng khắc nghiệt tại châu Âu, Australia và Nhật Bản, sự tàn phá của siêu bão tại Đông Nam châu Phi, cũng như các trận cháy rừng tại Australia và bang California của Mỹ.

Báo cáo của WMO nêu rõ trong 4 thập kỷ qua, mỗi thập kỷ đều nóng hơn so với thập kỷ trước đó. Do đó, biến đổi khí hậu không còn là hiện tượng mà các thế hệ tương lai phải đối mặt, mà hiện tại hàng triệu người đang phải gánh chịu tổn hại do những tác động từ hoạt động khai thác và tiêu thụ của con người.

Trong mọi trường hợp, WMO cảnh báo rằng xu hướng dài hạn này có nghĩa là các thế hệ tương lai sẽ phải đối mặt với hậu quả xấu hơn của biến đổi khí hậu, bao gồm nhiệt độ tăng, tăng số lượng và cường độ của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, căng thẳng về nguồn nước, tình trạng nước biển dâng và xáo trộn hệ sinh thái biển và trên cạn.

Ở phạm vi rộng hơn, CO2 tồn tại hàng thế kỷ trong bầu khí quyển và thậm chí lâu hơn ở các đại dương. Kể từ năm 1990, tổng lực bức xạ gây ra bởi các khí nhà kính dai dẳng, gây ra sự nóng lên của hệ thống khí hậu, đã tăng 43%. CO2 đóng góp tới 80%, theo số liệu từ NOAA được WMO trích dẫn. Trong bối cảnh đó, theo Tổng thư ký WMO, “chúng ta phải chuyển những cam kết này thành hành động và điều chỉnh lại tham vọng của mình vì lợi ích của nhân loại”.

Cơ quan môi trường Liên hợp quốc ngày 26/11 cũng công bố phiên bản thứ 10 của Báo cáo về khoảng cách giữa nhu cầu và triển vọng giảm phát thải. Tài liệu so sánh lượng phát thải khí nhà kính hiện tại và dự kiến với mức phát thải cho quỹ đạo chi phí thấp nhất phù hợp với Thỏa thuận Paris.

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tới đây cần mang lại động lực mới, tăng cường hợp tác và đổi mới tham vọng, trong bối cảnh chặng đường trước mắt vẫn còn rất dài.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo 2019 có thể là một trong ba năm nóng nhất lịch sử