Cảnh báo tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu

Minh Anh (t/h)|07/11/2019 06:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trái Đất đang đối mặt với “nỗi đau không tưởng tượng được” vì khủng hoảng khí hậu và cần các biện pháp khẩn cấp để đối phó tình trạng này.

11.258 nhà khoa học đến từ 153 quốc gia cảnh báo thế giới đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu do chính con người gây ra. Nghiên cứu trên, có tên gọi “Lời cảnh báo của các nhà khoa học trên toàn thế giới về tình trạng khẩn cấp khí hậu”, đánh dấu lần đầu tiên một nhóm lớn các nhà khoa học sử dụng cụm từ “khẩn cấp” để nói về biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học cho biết những thay đổi cấp bách cần thực hiện bao gồm ngừng gia tăng dân số, không khai thác nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất, không tàn phá rừng và giảm bớt việc ăn thịt. Những kết luận trong nghiên cứu được đưa ra dựa trên một loạt bằng chứng “dễ dàng nhận biết” về tác động của con người đối với khí hậu, như thải khí nhà kính, gia tăng dân số, làm giảm độ che phủ rừng…bên cạnh những hệ lụy kéo theo, như nóng lên toàn cầu.

Mưa lớn gây ra lũ lụt, hậu quả của biến đổi khí hậu

Một số dấu hiệu khác đáng lo ngại không kém là sự bùng nổ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, tăng trưởng GDP thế giới, và “cuộc khủng hoảng khí hậu có liên quan mật thiết đến lối sống giàu sang”. Các nhà khoa học đã ghi nhận một vài dấu hiệu tích cực như: giảm tỷ lệ sinh toàn cầu, tăng sử dụng năng lượng Mặt Trời, gió và giảm khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Theo các nhà khoa học, một loạt biện pháp khẩn cấp cần được thực hiện bao gồm sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, áp thuế carbon, ổn định tăng dân số toàn cầu (hiện thế giới đón thêm 200.000 người/ngày), ngừng tàn phá thiên nhiên, phục hồi rừng và rừng ngập mặn để hấp thụ CO2, ăn ít thịt hơn, thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, trong báo cáo được Quỹ Sinh thái Toàn cầu (UEF) công bố hôm 5-11, giới khoa học cảnh báo phần lớn cam kết của các nước trong Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu là chưa đủ để ngăn chặn những hậu quả tồi tệ nhất của tình trạng nóng lên toàn cầu.

“Chính phủ các nước đang đi đúng hướng nhưng hành động chưa đủ quyết liệt. Hy vọng họ sẽ đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn nhiều khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Tây Ban Nha vào tháng tới” – ông Robert Watson, người đứng đầu báo cáo khoa học, khẳng định.

Báo cáo đánh giá gần 75% trong tổng số 184 cam kết của các nước, kể cả những nước thải khí nhà kính lớn như Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ, là chưa đủ tham vọng. Cam kết của một số nước như Úc, Nhật Bản và Brazil được đánh giá là “chỉ đủ tham vọng một phần”. Trong số 184 cam kết, chỉ 36 cam kết được đánh giá là đủ tham vọng để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trước năm 2030 không quá 1,5 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Theo ông Watson, ngay cả khi mọi quốc gia thực hiện đầy đủ cam kết hiện tại, nhiệt độ toàn cầu vẫn sẽ tăng thêm 3-3,5 độ C, dẫn tới những hậu quả thảm khốc hơn về thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng và sinh vật tuyệt chủng. Theo giới khoa học, các nước cần quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

 Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu