Cấp bách thực hiện giải pháp chống ngập

Theo HNM|28/12/2018 08:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dù thời tiết khô ráo nhưng những ngày cuối năm 2018, nhiều người dân sống trên tuyến đường Hồ Ngọc Lãm (đoạn từ bến Phú Định đến rạch Bà Lựu, quận 8) vẫn sống trong cảnh ngập nước do triều cường xuất hiện thường xuyên. Chị Trần Thị Phương (ngụ tại đường Hồ Ngọc Lãm, phường 16, quận 8) cho hay: “Không những triều cường, mỗi lần mưa xuống, gia đình tôi và các hộ dân khu vực rốn ngập này đi lại và sinh hoạt gặp nhiều khó khăn”.

– Trận mưa lịch sử trút xuống TP Hồ Chí Minh cuối tháng 11, triều cường dâng cao liên tục những ngày cuối năm 2018 khiến nhiều khu vực ngập trong nước. Việc thực hiện quy hoạch về thủy lợi, đưa ra các giải pháp tổng thể để chống ngập đang là yêu cầu cấp bách.

>>> Sicily, Ý: Động đất cường độ 4,8 độ richter

>>> Nam Bộ: 69 khu vực bờ biển bị xói lở với tổng chiều dài 291 km

Theo thống kê từ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, đến nay toàn thành phố xây được 4.176/6.000km cống thoát nước; nạo vét, cải tạo hơn 60/5.075km kênh rạch; hoàn thành xây dựng 1/10 cống kiểm soát triều; xây dựng 64/129km đê bao bờ hữu sông Sài Gòn… Thế nhưng, hiện thành phố vẫn chưa giải quyết được bài toán chống ngập.

Ông Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho hay, tình trạng ngập nước gây thiệt hại về nhiều mặt cho khoảng 3 triệu người dân thành phố. Nguyên nhân gây ngập là TP Hồ Chí Minh có địa hình thấp, nền đất bị sụt lún; tình trạng san lấp kênh rạch, chặn luồng thoát nước gia tăng…

Thực tế, theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh), thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực đưa ra các giải pháp, xây dựng các công trình chống ngập, đặc biệt là ưu tiên xây dựng và cải tạo các tuyến cống thoát nước. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước cũng vừa đề xuất UBND thành phố phê duyệt dự án xây dựng tổ hợp 7 hồ điều tiết (6 hồ ngầm và 1 hồ hở) bằng công nghệ Cross-wave (theo công nghệ Nhật Bản) với dung tích 1.500-20.000m3 cùng các trạm bơm.

Để giải bài toán chống ngập, Giáo sư Nguyễn Ân Niên, Hội Khoa học và Kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố nên lắp cửa van ngăn triều tại các vùng trũng thấp gần cửa sông, kênh rạch ngăn triều cường; đồng thời lắp máy bơm đồng loạt tại các khu vực xảy ra ngập nặng, bơm thoát nước khi mưa lớn đổ xuống và hoàn thiện nâng cấp dần cốt nền đường. Bên cạnh đó, thành phố cũng nên gấp rút thực hiện quy hoạch 752 (về tổng thể thoát nước đến năm 2020), cải tạo các kênh rạch và xây dựng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, trạm bơm; sớm hoàn thiện dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng; xây hồ điều tiết… để chống ngập.

Tiến sĩ Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng, thành phố nên sử dụng các giải pháp tổng hợp liên vùng từ cấp lưu vực sông toàn vùng đô thị đến các giải pháp mang tính chi tiết của từng khu vực đô thị, dự án cụ thể. Đối với các giải pháp công trình, sẽ xây dựng hệ thống tiêu thoát nước; hệ thống thu gom xử lý nước thải; hệ thống công trình đê, cống ngăn triều; trạm bơm tiêu úng; san lấp cốt nền; xây dựng hồ điều hòa, hồ chứa cắt lũ ở phía thượng lưu. Đối với các giải pháp phi công trình sẽ vận hành hệ thống liên hồ chứa; xây dựng các hệ thống cảnh báo, tích hợp việc xử lý rủi ro ngập úng vào các quy hoạch đô thị; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, thành phố đang tính toán xây dựng bản đồ mô phỏng ngập để biết được nguyên nhân ngập từng khu vực và sẽ có giải pháp phù hợp.

Theo HNM


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cấp bách thực hiện giải pháp chống ngập
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.