Trên nhiều tuyến phố Hà Nội, tình trạng người dân "vô tư" đóng đinh trực tiếp vào cây xanh để treo biển quảng cáo diễn ra tràn lan. Hàng loạt cây xanh đã trở thành "giá" treo đồ bất đắc dĩ của các tiểu thương, người dân. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn có thể gây nguy hiểm khi có những biển hiệu có dấu hiệu lỏng lẻo cùng những đường dây điện chằng chịt. Đặc biệt, tình trạng này đang gây ra lo ngại khi ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển tự nhiên của cây xanh.
Ông Hoàng Văn Hòa – Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ: “Tôi thấy những việc làm ấy là không nên. Mong rằng các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp mạnh hơn để bảo vệ cây xanh...”
Theo Nghị định 139/2017 của Chính phủ thì hành vi “xâm hại” cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng. Phạt tiền từ 10.000.000 – 15.000.000 đồng với hành vi đổ phế thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh. Tuy nhiên, việc xử phạt này được thực hiện rất hạn chế và chưa đủ sức răn đe.
“Sau hôm nay được các bên nhắc nhở em sẽ không thực hiện đóng đinh cũng như treo biển quảng cáo nữa...” Chị Đặng Thị Thu Thủy – Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ.
Ông Vũ Tuấn Phong – Phó Chủ tịch UBND Phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “ Về phía phân cấp quản lý thì phường chỉ có chức năng phối hợp với các đơn vị của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cũng như Sở Xây dựng. Mong rằng thời gian tới, các đơn vị liên quan sẽ cùng vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn...”
Không chỉ dừng lại ở mức độ tận dụng, nhiều cây xanh trước các công trình xây dựng còn có dấu hiệu bị đầu độc, khô héo không rõ nguyên nhân. Trước tình trạng này, nhiều nơi cũng đã tiến hành rà soát thực trạng và yêu cầu các hộ dân ký cam kết bảo vệ cây xanh trong khu vực.
Ông Trần Tuấn Khanh – Tổ trưởng Tổ dân phố số 9, Phường Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Qua rà soát thì chúng tôi cũng phát hiện có tình trạng láng xi măng gốc cây cũng như đóng đinh, quảng cáo. Chúng tôi sẽ tổng hợp và báo cáo các đơn vị liên quan có hình thức xử lý kịp thời.”
Ông Trần Đức Quyền – Phó Chủ tịch UBND Phường Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “ Với những trường hợp cố tình vi phạm và có hành vi xâm hại cây xanh chúng tôi sẽ báo cáo và có xử phạt theo đúng quy định. Mong người dân cũng sẽ tăng cường giám sát. Nếu phát hiện ai có hành vi xâm phạm cây xanh đề nghị cung cấp cho ủy ban để có biện pháp can thiệp kịp thời.”
Theo các chuyên gia, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng cần tăng cường xử lý nghiêm những trường hợp xâm hại cây xanh. Đồng thời, sớm tổ chức phân định rõ danh mục cây xanh do thành phố hay quận, huyện quản lý để kịp thời xử lý các vi phạm, bảo vệ môi trường, cảnh quan.