Quản lý cây xanh lâu năm tại đô thị nhìn từ vụ cây sao đen trăm tuổi nghi bị "bức tử" trên phố Lò Đúc, Hà Nội

Mai Dung - Thu Hà|29/03/2024 17:56
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước bối cảnh tốc độ phát triển hạ tầng đô thị hiện đại diễn ra ngày càng nhanh tại Hà Nội, cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngoài ra những cây cổ thụ lâu năm còn là một thành tố làm nên bản sắc của Hà Nội.

Cây xanh đô thị giúp lọc bớt bụi bẩn, đồng thời thải ra nhiều O2. Mặt khác, cây xanh hấp thu bức xạ, thải ra hơi nước giúp không khí trong lành, mát mẻ hơn. Chúng được xem là lá phổi của thành phố, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Hệ thống cây xanh của thành phố chắn gió và giảm tiếng ồn, giúp cuộc sống của người dân trở nên yên tĩnh hơn.

Theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị, “cây xanh đô thị” là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị.

cay-sao-den-1(1).jpg
Hàng cây sao đen xanh tốt trên phố Lò Đúc, Hà Nội. Ảnh: T.G

Trong đó, cây xanh sử dụng công cộng đô thị là các loại cây xanh được trồng trên đường phố (gồm cây bóng mát, cây trang trí, dây leo, cây mọc tự nhiên, thảm cỏ trồng trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông); cây xanh trong công viên, vườn hoa; cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thị.

Đối với cây xanh sử dụng công cộng đô thị Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, phát triển nhằm mục đích phục vụ lợi ích cộng đồng. Đối với cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị, các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý.

Thành phố Hà Nội đã đầu tư trồng rất nhiều cây xanh trên các tuyến phố để tăng độ phủ bóng mát, điều hòa không khí, giúp bảo vệ môi trường trong lành hơn. Hà Nội cũng nổi tiếng với nhiều tuyến phố có hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây xuất hiện tình trạng có dấu hiệu "bức tử" cây xanh, đặc biệt là cây cổ thụ. Vụ việc điển hình, và gây bức xúc dư luận đó là cây Sao đen cổ thụ tại phố Lò Đúc liên tục có dấu hiệu bị "bức tử".

Phố Lò Đúc, TP. Hà Nội sở hữu hàng cây sao đen cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện một số cây chết, có dấu hiệu héo úa, khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc và đặt nhiều nghi vấn cây bị "bức tử", tương tự vụ việc xảy ra với cây sao đen trước cửa nhà số 71 Lò Đúc vào năm 2019.

Trước đó, vào ngày 1/11/2023, UBND phường Phạm Đình Hổ có văn bản số 311/UBND báo cáo cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý các cây chết khô trên phố Lò Đúc.

Đến cuối năm 2023, UBND phường Phạm Đình Hổ nhận được đơn phản ánh của người dân (có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố) về việc cây sao đen trước cửa số nhà 65 phố Lò Đúc có dấu hiệu chết khô, nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm cho người và tài sản xung quanh.

Từ phản ánh của người dân, ngày 2/1/2024, UBND phường Phạm Đình Hổ có văn bản đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội; Trung tâm hạ tầng Kỹ thuật đô thị TP Hà Nội kiểm tra và có biện pháp xử lý, trồng thay thế (nếu cây bị chết) để đảm bảo an toàn và cảnh quan đô thị.

cay-sao-den-2.jpg
Cây sao đen chết khô ở phố Lò Đúc, Hà Nội đã bị chặt hạ.

Ngày 22/1, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản giao Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và UBND phường Phạm Đình Hổ kiểm tra, đánh giá tình trạng cây xanh, thống nhất cách xử lý để đảm bảo mỹ quan đô thị.

Ngày 23/2, tại biên bản kiểm tra hiện trường, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội; Trung tâm hạ tầng Kỹ thuật đô thị TP Hà Nội và UBND phường Phạm Đình Hổ xác định cây sao đen có đường kính 80cm, cao 18m, đã bị chết khô, mục rỗng gốc.

Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, phương tiện tham gia giao thông cũng như cảnh quan đô thị, các bên thống nhất đề nghị hoàn thiện thủ tục chặt hạ, đánh gốc, trồng cây thay thế theo đúng quy định. Biên bản này cũng đồng thời đề nghị UBND phường Phạm Đình Hổ tiếp tục kiểm tra xử lý trường hợp cây xanh bị xâm hại (nếu có).

Liên quan đến vấn đề này, ngày 28/3, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 871/UBND-TTĐT về việc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh nghi vấn cây sao đen trăm tuổi ở Hà Nội bị bức tử trước khi đốn hạ.

Về việc này, Chủ tịch UBND thành phố giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ thông tin theo phản ánh của các báo nêu trên, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật. Kết quả thực hiện báo cáo UBND thành phố trước ngày 6/4.

Thống kê của Công ty cây xanh Hà Nội cho thấy trong bán kính 100 m trên phố Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, có bốn cây sao đen bị chết khô trước cửa nhà số 34, 65, 71 và 93. Trong đó ba cây lớn có đường kính từ 60 cm đến 90 cm, một cây có đường kính 25 cm. Cả bốn cây bị chết đều án ngữ mặt tiền ngôi nhà mới sửa hoặc đang xây dựng.

Trao đổi với phóng viên Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn, TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: "Trồng cây gì ở đâu? như thế nào? và quản lý như thế nào?, đây là vấn đề đã có từ lâu. Những ngày gần đây dư luận xôn xao chuyện một số cây xanh trăm tuổi chết khô với nhiều nỗi nghi vấn. Hà Nội cũng đang thực hiện phủ xanh thành phố bằng chương trình trồng 1 triệu cây xanh, đã và đang tiếp tục hưởng ứng chương trình trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, các kế hoạch trồng cây tại đô thị được người dân vui mừng hưởng ứng bao nhiêu thì chúng ta đọc được tin cây lâu năm chết khô và bị chặt hạ, điều này cũng cho thấy rằng trong việc quản lý cây xanh còn tồn tại nhiều vấn đề."

hoang-duong-tung-1.jpg
TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.

"Việc "bức tử" cây xanh, thứ nhất là vấn đề ảnh hưởng đến môi trường, nếu mỗi nhà, mỗi cá nhân ứng xử với cây xanh chưa có ý thức cao thì có lẽ Hà Nội chẳng mấy nữa là không còn cây xanh, vậy chúng ta đâu còn là đô thị xanh, sạch, đẹp. Thủ đô Hà Nội là Thủ đô gắn liền với cây xanh, nếu không có cây thứ nhất là về cảnh quan, thứ hai là về chất lượng không khí, thứ ba là về môi trường. Chúng ta có thể thấy chất lượng cuộc sống của nhân dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Mỗi một cây xanh cần phải được chăm sóc, bảo vệ như là một thứ quý giá của người dân. Chúng ta đi Singapore có thể thấy môi trường ở thành phố của họ rất trong lành, nhiều cây xanh, cái thứ hai là cách quản lý của họ, đặc biệt là đối với những cây lâu năm, có những cây đạt đến hàng trăm năm. Người Hà Nội, người Việt Nam nói chung chúng ta coi những cây cổ thụ lâu năm là điều gì đấy rất trân quý, tôi nghĩ ngoài những việc ảnh hưởng đến môi trường nó còn ảnh hưởng đến hình ảnh, về văn hóa ứng xử của chính quyền và người dân Hà Nội đối với thiên nhiên", TS. Hoàng Dương Tùng nêu quan điểm.

Năm 2024, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 200.000 cây xanh trên các tuyến đường đô thị. Giám sát, kiểm tra thường xuyên số lượng, chất lượng các loài cây đã được trồng tại các đô thị lớn là cần thiết. Bởi việc bảo vệ, trồng, chăm sóc cây xanh là một giải pháp quan trọng để phục hồi môi trường của Thủ đô sau nhiều ngày liên tục lọt vào bảng xếp hạng đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí. Đặc biệt, cây xanh - nhất là các cây cổ thụ còn tạo nên vẻ tôn nghiêm, cổ kính của thành phố ngàn năm tuổi, là một dấu ấn đặc sắc của Hà Nội.

Sao đen là loài thực vật thuộc chi Sao, họ Dầu, thường có ở vùng Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Cây gỗ lớn thân thẳng, thuôn dài, cao từ 20-30m, tán lá rậm hình chóp, cành nhánh to, dài, mọc thẳng đứng.

Gỗ sao đen nằm trong nhóm III danh mục gỗ quý của Việt Nam, với đặc tính nhẹ và mềm, nhưng sức bền cao, độ dẻo dai lớn, sức chịu lực cao. Hai hàng sao đen thẳng tắp được coi là điểm nhấn của phố Lò Đúc. Theo thống kê, tuyến phố này hiện có hơn 100 cây sao đen.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý cây xanh lâu năm tại đô thị nhìn từ vụ cây sao đen trăm tuổi nghi bị "bức tử" trên phố Lò Đúc, Hà Nội