Tại hội thảo “Chất lượng không khí Hà Nội – Thực trạng và định hướng giải pháp”, PGS.TS. Trần Ngọc Quang, Bộ môn Vi khí hậu – Môi trường Xây dựng – Trường Đại học Xây dựng cho biết, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động xấu của bụi đến sức khỏe, trong đó có hiện tượng lắng đọng bụi trong phổi người.
Thông thường, mọi người hay nghĩ và sử dụng các biện pháp phòng chống bụi ngoài trời, đặc biệt là khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, bụi hít phải khi tập thể dục hoặc bụi trong nhà cũng là điều rất đáng quan tâm, đặc biệt là với người già và trẻ nhỏ – những đối tượng có thời gian ở trong nhà nhiều.
Theo PGS.TS. Trần Ngọc Quang, Bộ môn Vi khí hậu – Môi trường Xây dựng – Trường Đại học Xây dựng cho biết, gần đây, nghiên cứu sức khỏe cộng đồng chỉ ra rằng bụi siêu mịn có tác động rất rõ đến sức khỏe. Bụi mịn vào và đọng lại cuống phổi, nhưng bụi siêu mịn nguy hiểm hơn vì đi sâu vào túi phổi, thậm chí, nó đi qua các mạch máu chuyển sang hệ tuần hoàn, vì vậy ô nhiễm bụi liên quan trực tiếp đến bệnh về tim mạch.
Nghiên cứu về nồng độ siêu mịn trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, giờ cao điểm buổi sáng (6h30-8h30) và buổi chiều (16h30-18h30), giá trị nồng độ bụi mịn nằm trong dải từ 27.000-31.000 hạt bụi mịn/cm3. Nồng độ này tương đương với kết quả quan trắc trung bình của Bắc Kinh vào 2014 (30.000 hạt bụi mịn/cm3).
TS Quang cũng cho biết, vào giờ cao điểm, nồng độ bụi mịn cao hơn đáng kể so với giờ thấp điểm, đúng với quy luật nhiều nước, vào giờ cao điểm giao thông, bụi mịn phát ra rất lớn do hoạt động giao thông. Bụi mịn trong nhà ngoài ảnh hưởng bởi yếu tố giao thông thì có ảnh hưởng bởi yếu tố khác như đun nấu.
TS Quang kết luận, phát thải từ phương tiện cơ giới đã có tác động rõ rệt lên nồng độ bụi siêu mịn bên ngoài công trình và nồng độ bụi siêu mịn bên trong công trình (nhà ở, công sở..) bị ảnh hưởng chủ yếu bởi nguồn bên ngoài do thói quen mở cửa cho thông gió tự nhiên.
Cùng với đó, sử dụng thuốc xịt và chất tẩy rửa để làm sạch bếp hay phòng tắm và ngay sau đó người dùng bắt đầu bị ho hoặc thở khò khè thì đây có thể là một dấu hiệu cho thấy các hóa chất trong các sản phẩm tẩy rửa đang sử dụng đã ảnh hưởng ít nhiều tới phổi.
Một nghiên cứu mới có tên Bảo vệ sức khỏe của phổi vì một cuộc sống lành mạnh được thực hiện ở Na Uy đã chỉ rõ rằng lau chùi, quét dọn ở nhà hay nơi làm việc thực sự có thể làm phổi của bạn bị tổn thương.
Và hậu quả là bạn có thể có nguy cơ cao bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
Trong một nghiên cứu gồm 5.000 phụ nữ trên 20 tuổi, đã có những bằng chứng cho thấy rằng chất tẩy rửa sẽ làm giảm 17% chức năng của phổi của những người phụ nữ này so với những phụ nữ ở tuổi trung niên.
Những phụ nữ thường xuyên lau dọn nhà cửa thực sự đang gặp nguy hiểm khi có những kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng họ đã bị sụt giảm hơn 14% chức năng phổi trong hơn 20 năm do tiếp xúc với các chất hóa học như ammonia, gây kích ứng đường hô hấp, và các chất khác có thể gây ra phản ứng dị ứng ở đường hô hấp.
Oistein Svanes, đến từ Đại học Bergen ở Na Uy, là người đầu tiên đã tiến hành nghiên cứu theo dõi những hậu quả lâu dài của các chất tẩy rửa này.
Oistein Svanes nói: “Việc lau dọn nhà là một công việc thường xuyên của các chị em phụ nữ. Chính vì vậy mà chúng tôi cần phải bắt đầu tiến hành các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của các chị em hơn về những hóa chất này”.
Cách để giảm sự tiếp xúc với các chất hóa học này:
Vào những giờ cao điểm buổi sáng hay buổi chiều thì không nên mở cửa, vì lúc này trong không khí có rất nhiều bụi mịn do tác động của giao thông. Đặc biệt, những ngày mà thông tin cho thấy không khí chất lượng kém thì hoàn toàn không nên mở cửa.
Những người có điều kiện có thể dùng máy lọc không khí để lọc không khí trong nhà. Nhưng dễ nhất là nên lau dọn nhà thường xuyên, tránh quét nhà vì hành động này khiến cho bụi bay lên, khi hít vào sẽ ảnh hưởng đến phổi. Khi làm vệ sinh đồ dùng, tủ… trong nhà cần dùng khăn ẩm để làm sạch bụi.
Kiểm tra các thành phần chất nguy hiểm có trong sản phẩm trước khi sử dụng.
Thực hiện theo hướng dẫn trên nhãn về cách sử dụng an toàn của hóa chất.
Không sử dụng các loại thuốc tẩy hay làm sạch vết bẩn ở dạng xịt vì chất độc hại dễ bay vào trong không khí và chúng ta sẽ dễ hít phải những khí này.
Mở cửa ra vào, cửa sổ trong và sau khi chúng ta làm sạch hay lau dọn những khu vực cần vệ sinh để đảm bảo có sự thông gió tốt.
Tú Anh (T/h)