Điển hình như 2 vụ cháy xảy ra tại quán karaoke ISIS tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chiều 1-8 và vụ cháy xảy ra vào lúc 20h30 ngày 6-9 tại quán karaoke An Phú (tỉnh Bình Dương). Vụ cháy ở quận Cầu Giấy làm ba cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Cầu Giấy hy sinh còn vụ cháy ở quán karaoke An Phú (Bình Dương) làm 32 người thiệt mạng. Trong số 32 người tử vong, có 16 nạn nhân nam, 16 nạn nhân nữ, có tuổi từ 22 đến 40. Tất cả thi thể sau đó được bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Có kiểm tra định kỳ nhưng vẫn cháy
Theo báo cáo của UBND quận Cầu Giấy, quán karaoke ISIS quy mô gồm năm tầng, một lửng, một tum, khối tích 1.260 m3, kết cấu chịu lực chính là bê tông, cốt thép được Phòng Kinh tế quận cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu vào tháng 1-2013. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Duy Trung, sinh năm 1978.
Đến tháng 4-2013, UBND quận Cầu Giấy cấp giấy phép kinh doanh karaoke cho cơ sở ISIS. Cuối tháng 8-2013, Công an quận Cầu Giấy cấp giấy chứng nhận quán karaoke này đủ điều kiện về an ninh trật tự để làm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau đó, ông Nguyễn Duy Trung đã ủy quyền cho ông Phạm Duy Hùng quản lý hoạt động kinh doanh tại quán karaoke ISIS trong thời hạn 10 năm.
Khi xảy ra vụ cháy, quán karaoke ISIS đã dừng hoạt động do chưa cấp đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định 96/2016 và đang được sửa chữa.Khu vực xuất phát cháy, theo cơ quan chức năng là tại tầng ba rồi cháy lan lên các tầng trên và lan xuống các tầng bên dưới của tòa nhà.
Trước đó vào năm 2016, một vụ cháy quán karaoke khác ở quận Cầu Giấy (tại số 68 Trần Thái Tông, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cũng để lại hậu quả nặng nề, khiến 13 người chết.
Sau vụ cháy này, TP Hà Nội đã phải tạm dừng hoạt động toàn bộ các quán karaoke trên địa bàn để rà soát lại điều kiện PCCC, cơ sở nào đủ điều kiện mới được hoạt động trở lại. Từ đó đến nay, trải qua sáu năm, Hà Nội không cấp phép thêm cho cơ sở karaoke mới nào.
Còn cơ sở kinh doanh karaoke An Phú, theo báo cáo của Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương, vụ cháy karaoke An Phú làm chết 32 người, nguyên nhân ban đầu xác định do chập điện từ trần tầng 2. Quán được thiết kế, xây dựng với tổng diện tích sàn khoảng 1.500m2 gồm có 3 tầng (1 trệt, 2 lầu và 1 sân thượng), trong đó có 29 phòng hát, nhiều phòng được sử dụng làm bếp, phòng kỹ thuật, nhà vệ sinh và công năng khác.. do ông Lê Anh Xuân (SN 1980, hộ khẩu thường trú tại TPHCM) đứng tên đăng ký kinh doanh từ năm 2016. Tháng 2/2021, ông Xuân cho Phạm Quốc Khải (SN 1989, Hậu Giang) thuê lại và giao toàn quyền quản lý quán karaoke.
Về cơ sở pháp lý, cơ sở karaoke An Phú đủ điều kiện hoạt động dựa trên các hồ sơ pháp lý gồm: Giấy phép kinh doanh đăng ký lần đầu ngày 9/12/2015, đăng ký thay đổi lần thứ nhất ngày 7/9/2016 do UBND thị xã (nay là thành phố) Thuận An cấp. Thậm chí cơ sở này còn có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC do Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương cấp ngày 8/2/2017; Văn bản xác nhận nghiệm thu hệ thống PCCC số về PCCC theo quy định; đã trang bị phương tiện và hệ thống PCCC theo quy định.
Ngoài ra, cơ sở này cũng được Công an thị xã (nay là thành phố) Thuận An cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự vào ngày 31/7/2017; Giấy chứng nhận đăng ký thuế số do Chi cục Thuế Thuận An cấp ngày 5/3/2014. Giấy phép kinh doanh karaoke do UBND thị xã (nay là thành phố) Thuận An cấp ngày 15/11/2016.
Về công tác kiểm tra, vào năm 2019, ngành chức năng kiểm tra 1 đợt; năm 2020, cơ sở tạm ngưng hoạt động; năm 2021 kiểm tra 2 đợt và năm 2022 kiểm tra 1 đợt. Qua kiểm tra, ghi nhận việc chấp hành quy định an toàn về PCCC của cơ sở.
Trong đợt kiểm tra gần đây nhất vào ngày 27/4/2022, khi nhận thấy hệ thống tiêu thụ điện cao nhưng chỉ ở mức nhắc nhở nên Công an thành phố Thuận An đã đề nghị chủ cơ sở cần liên hệ với đơn vị chuyên môn về ngành điện để kiểm tra, rà soát, đánh giá tình trạng hệ thống điện đang sử dụng, có phương án đảm bảo tránh xảy ra chập cháy. Tuy nhiên, từ thời điểm cơ quan chức năng khuyến cáo đến khi xảy ra vụ cháy thảm khốc làm 32 người chết, cơ sở karaoke An Phú không thực hiện.
Phải xác định tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm
Tại Hội nghị công tác Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ -CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ Quy định về công tác CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC diễn ra hôm qua ngày 12/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có nhận xét: “Chúng ta phải xác định tình hình cháy, nổ là nghiêm trọng, nhất là tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu đông dân cư, chợ, siêu thị, quán bar, karaoke, vũ trường; đòi hỏi lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng nòng cốt PCCC và đề cao ý thức người dân, yêu cầu với công tác PCCC phải rất cao và đúng tầm mức”.
“Chúng ta phải phân tích nguyên nhân vì sao, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào thì tổ chức, cá nhân đó phải chịu. Sau vụ chết 13 người tại quán karaoke ở quận Cầu Giấy, chúng ta phải suy nghĩ về các số liệu, mất mát nói trên, về những địa bàn, khu vực, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cháy để tìm nguyên nhân, rút kinh nghiệm, tìm ra biện pháp phòng ngừa, xử lý. Tuy nhiên, không những không ngăn chặn, đẩy lùi được mà lại để xảy ra vụ đặc biệt nghiêm trọng hơn tại Bình Dương. Khi các vụ cháy xảy ra nhiều lần trên một địa bàn, một lĩnh vực thì phải kiểm điểm, xác định tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm kỷ luật trước Đảng, Nhà nước, phải chỉ rõ nguyên nhân vì sao để có hình thức xử lý nghiêm, đủ sức răn đe, ngăn chặn" – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng đặt câu hỏi và yêu cầu phải phân tích rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để khắc phục: “Tôi lưu ý, cháy tập trung vào một số địa bàn, một số lĩnh vực. Ví dụ như cháy gây chết nhiều người chủ yếu là do quán karaoke, trong đó tại quận Cầu Giấy, Hà Nội xảy ra hai vụ chết nhiều người đều tại quán karaoke. Vấn đề đặt ra là, công tác cấp phép, kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước toàn diện ở đây như thế nào? Từ đó phải rút bài học kinh nghiệm. Chả lẽ chúng ta chịu thua? Địa bàn xảy ra nhiều lần, liên tục, tại sao không ngăn chặn, đẩy lùi. Đây là vấn đề phải suy nghĩ?”
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu thực trạng dẫn đến nhiều vụ cháy nổ thời gian qua, đó là ý thức trách nhiệm của nhiều cán bộ chưa tốt; chế tài xử phạt trong lĩnh vực PCCC chưa đủ mạnh, chưa đủ tính răn đe, thiếu kiểm tra đôn đốc, xử lý trách nhiệm còn chưa nghiêm, đầu tư cơ sở vật chất chưa tương xứng, thậm chí còn rất khiêm tốn so với thiệt hại, mất mát.
“Trước mắt, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về công tác PCCC, nhất là những địa bàn, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cháy, các quán karaoke, chú ý các cơ sở tập trung đông người, các nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy, nổ, nhất là các khu chung cư cao tầng; xử phạt nghiêm minh và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở đưa vào hoạt động không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH. Việc giám sát, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện một cách nghiêm ngặt, nghiêm minh, chặt chẽ, không lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong giám sát, kiểm tra, hướng dẫn” – Thủ tướng yêu cầu.
Ô nhiễm môi trường là rất lâu chứ không phải chỉ trong khi có hỏa hoạn
Nói đến sự ảnh hưởng của môi trường khi xảy ra cháy nổ, GS.TS Đặng Thị Kim Chi- Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: “chúng ta nói nhiều đến ảnh hưởng về tài sản, của cải, người dân nhưng chúng ta không nghĩ đến tác động môi trường xung quanh như thế nào. Nhà chung cư cao tầng, đường thoát hiểm chứa đầy đồ dùng, vật dụng, khoảng cách giữa 2 nhà chung cư ở Việt Nam rất gần, nên khi có cháy nổ xảy ra thiếu điều kiện cung cấp oxy, thành phần khí tạo thành là khí rất độc như khí CO, kèm theo đó là bụi mịn ở dạng khói đen, sẽ lan truyền không chỉ trong từng căn hộ mà còn len lỏi sang khu vực lân cận vì khoảng cách giữa các chung cư rất gần. Môi trường không chỉ khu vực xảy ra vụ cháy mà môi trường khu vực lân cận 200m-300m hay đường kính 500m theo luồng gió tản ra sẽ bị ô nhiễm, nên môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bột bụi mịn đen trong làn khói cực độc vì kích thước nhỏ có thể đi vào sâu trong cơ thể qua đường hô hấp. Các loại khí độc làm con người thiếu oxy và thậm chí là nhiều người tử vong do ngạt chứ không chỉ do bị cháy. Nghĩa là khi xảy ra sự cố cháy nổ, môi trường không khí xung quanh bị thay đổi và ô nhiễm”.
Cũng theo bà Kim Chi thì chất thải rắn, nước thải sinh ra trong quá trình dập cháy cùng một số bụi, khí, kim loại hòa tan nếu không được thu gom cẩn thận sẽ gây ô nhiễm đất, ô nhiễm ao, hồ vùng lân cận, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi và không gian sống của con người trong khu vực.
“Tùy theo mức độ, quy mô vụ cháy làm cho mức độ ô nhiễm môi trường xung quanh. Và tùy theo đối tượng bị cháy như kho nhiên liệu, hóa chất, vật liệu cháy có chất nhựa thì thành phần chất ô nhiễm nguy hại và tác động xấu đến môi trường sau khi cháy rất lâu chứ không chỉ lúc xảy ra vụ cháy”, GS.TS Đặng Thị Kim Chi nhấn mạnh.
Còn theo TS. Nguyễn Thế Đồng– Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thì các vụ cháy, nổ hoặc sự cố rò rỉ hóa chất đều gây ô nhiễm môi trường cấp, cục bộ hoặc lâu dài; ở mức độ nghiêm trọng có thể trở thành sự cố môi trường hoặc thảm họa môi trường. Ông Đồng cho biết: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn khả năng cháy nổ cao cùng một số yếu tố khác theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được xếp vào nhóm có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Ông Đồng cho biết: Nếu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì mỗi nhà đầu tư phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, mô tả rõ đối tượng lân cận sẽ bị ảnh hưởng ra sao nếu xảy ra sự cố môi trường, tác nhân gây ô nhiễm,…từ đó có đề ra giải pháp ngăn chặn ô nhiễm môi trường.
Tại Hội nghị công tác Phòng cháy chữa cháy (PCCC), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc kiện toàn, củng cố các lực lượng tại chỗ làm công tác PCCC và CNCH tại khu dân cư, cơ sở. Xây dựng cơ chế phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa Công an, Quân đội và các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH. Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH. Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng PCCC 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCCC và CNCH. Huy động nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư để mua sắm trang thiết bị, vật tư PCCC.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC và CNCH. Tập trung hoàn thành quy chuẩn an toàn cháy đối với nhà ở riêng lẻ, các cơ sở kinh doanh đặc thù, nhạy cảm; Bộ Công thương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về sử dụng điện (sau công tơ), bảo đảm an toàn về PCCC tại các cơ sở, hộ gia đình; Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường phổ biến, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH trong chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa…