Là một trong những quốc gia đi đầu trong các sáng kiến và thực hành về tăng trưởng xanh, Hàn Quốc sớm tuyên bố “Tăng trưởng xanh cacbon thấp” trở thành tầm nhìn quốc gia. Mục đích là chuyển đổi mô hình tăng trưởng của quốc gia, từ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang mô hình tăng trưởng theo định hướng chất lượng, với trọng tâm sử dụng các nguồn năng lượng mới, tái tạo và công nghệ xanh.
Mô hình tăng trưởng xanh cacbon thấp của Hàn Quốc có đặc thù riêng bởi sự quản lý tập trung cao độ và sự chỉ đạo mạnh mẽ từ trên xuống dưới, nâng tầm tăng trưởng xanh thành ưu tiên quốc gia. Dù bảo tồn năng lượng và môi trường bền vững vốn là một phần trong những nỗ lực phát triển của Hàn Quốc, những vấn đề này đã được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc gia của chính quyền Lee Myung-bak.
Dưới thời vị Tổng thống thứ 10 trong lịch sử, các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh đều được giải quyết nhanh chóng và quyết đoán để phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc thời hậu chiến. Chủ trương của Chính phủ Hàn Quốc, không còn là tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao nhất, mà là kết hợp các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính ở mức độ nhất định, giảm tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra những động cơ tăng trưởng mới như công nghệ xanh, công nghiệp xanh, và việc làm xanh.
Một trang trại điện gió trên đảo Jeju, Hàn Quốc. Ảnh: Alamy
Không những không làm cản trở tăng trưởng kinh tế, mô hình tăng trưởng xanh cacbon thấp còn mở ra các cơ hội phát triển mới cho kinh tế như Hàn Quốc, vốn yêu cầu cao về công nghệ. Trong quá trình thực hiện tăng trưởng xanh cacbon thấp, Hàn Quốc đạt 4 cột mốc đáng lưu ý.
Một, là xây dựng khung quản trị vững chắc cho tăng trưởng xanh bằng việc thành lập Ủy ban Tổng thống về Tăng trưởng xanh (PCGG) vào năm 2009.
Hai, là tăng cường môi trường pháp lý tạo điều kiện cho tăng trưởng xanh bằng việc ban hành Luật khung về Tăng trưởng xanh cacbon thấp năm 2010.
Ba, là huy động nhiều Bộ, ngành lập ra các kế hoạch tăng trưởng xanh toàn diện ở các cấp, từ Trung ương tới địa phương, bao gồm cả Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh (2009- 2050) và Kế hoạch 5 năm (2009-2013).
Bốn, là thể hiện cam kết của Hàn Quốc trong chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu toàn cầu bằng việc đặt ra mục tiêu đầy tham vọng về giảm 30% phát thải khí nhà kính vào năm 2020. Đây là mục tiêu cao nhất cho một quốc gia không nằm trong Phụ lục 1 của Nghị định thư Kyoto.
Sự kết hợp của 4 mốc này đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc vì nó tạo ra nền tảng thể chế, pháp lý và kế hoạch cho tăng trưởng xanh. Bộ khung về các bộ luật, nghị định tăng trưởng xanh cacbon thấp đã thành công trong việc thể chế hóa tăng trưởng xanh như một chính sách nội địa. Nó đồng thời tạo ra một hình mẫu tốt cho các quốc gia khác trong việc hoạch định chính sách toàn diện và năng động để tích hợp các mục tiêu kinh tế, môi trường và xã hội vào một khung duy nhất.
Sau khi triển khai kế hoạch 5 năm lần đầu, Hàn Quốc chuyển dịch dần hướng đi. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai (2014-2018), Hàn Quốc đưa ra khái niệm “kinh tế sáng tạo” và các chính sách tăng trưởng xanh được sửa đổi thành “các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu” sau Hiệp định Paris 2015. Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (2019-2023) đưa ra một tầm nhìn mới cho “Đất nước xanh toàn diện”.
Dù đôi lúc không nhất quán về chính sách, dẫn tới hiệu quả cắt giảm khí thải nhà kính, ô nhiễm không khí… không đạt như kỳ vọng, nhưng Hàn Quốc vẫn thu nhiều thành tựu đáng khích lệ. Chẳng hạn, việc thông qua Kế hoạch năng lượng cơ bản quốc gia lần thứ nhất giúp Hàn Quốc mạnh dạn ban hành Tiêu chuẩn về Tỷ lệ Năng lượng tái tạo (RPS) vào năm 2013. Dựa theo tiêu chuẩn này, các nhà sản xuất năng lượng buộc phải đáp ứng yêu cầu nhất định về tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng sản phẩm.
Cộng nghệ xanh cũng là điểm nổi bật khi Hàn Quốc đẩy mạnh mô hình tăng trưởng xanh cacbon thấp. Nhờ chiến lược tăng trưởng xanh, nước này đã thành công trong việc thu hẹp khoảng cách về công nghệ so với các đối tác toàn cầu. Trong số 27 công nghệ xanh chủ chốt được chọn làm lĩnh vực ưu tiên đầu tư và thương mại hóa, pin thứ cấp và LED của Hàn Quốc đứng tốp đầu thế giới. Các hạng mục công nghệ khác như hệ thống tích trữ năng lượng, hệ thống năng lượng tái tạo và xe chạy điện cũng có những bước tiến đáng kể.
Huyền Nhung