Chính phủ ban hành Nghị quyết gỡ vướng dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM và dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - QL1, TP.Thủ Đức.
Đây được xem là bước gỡ nút thắt cuối cùng để hai dự án trọng điểm của TP.HCM có thể hoàn thành sau thời gian dài đình trệ bởi hàng loạt khó khăn, vướng mắc chồng chất.
Thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị quyết, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, yêu cầu triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, khơi thông điểm nghẽn, huy động nguồn lực xã hội nhằm đưa công trình vào vận hành sớm, phát huy hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát và lãng phí. Việc xử lý các vấn đề tồn đọng chỉ áp dụng với các vướng mắc do lỗi từ phía cơ quan nhà nước hoặc do cả hai bên bao gồm cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư. Thẩm quyền giải quyết ở cấp nào thì cấp đó có trách nhiệm xử lý.

UBND TP.HCM được giao trách nhiệm lập, thẩm định, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định điều chỉnh liên quan.
Đối với quỹ đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư, khu đất thuộc diện sắp xếp lại, xử lý tài sản công sẽ do UBND TP.HCM quyết định theo thẩm quyền. Đối với quỹ đất đã được Nhà nước giải phóng mặt bằng, việc thanh toán được thực hiện theo quy định tại khoản 1, điều 17 Nghị định số 69/2019 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại khoản 3, điều 90 Nghị định số 35/2021).
Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán thấp hơn giá trị công trình BT (sau khi đã rà soát, loại bỏ chi phí không hợp lý, sai quy định), phần chênh lệch còn lại sẽ được thanh toán bằng nguồn vốn đầu tư công do thành phố quản lý. UBND TP.HCM chịu trách nhiệm xác định cụ thể giá đất để tính tiền sử dụng hoặc thuê đất tại các khu vực dự kiến dùng để thanh toán, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật về đất đai.
Bộ Tài chính cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước sớm tiến hành kiểm toán dự án, làm cơ sở cho việc thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng theo quy định, đảm bảo cân bằng lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn vốn công, và nhanh chóng đưa dự án vào vận hành, tránh kéo dài gây lãng phí.
Hai công trình trọng điểm của thành phố bao gồm dự án chống ngập do triều cường có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 và dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1 (thuộc đoạn 3, đường Vành đai 2, TP.Thủ Đức) được kỳ vọng sẽ tái khởi động trong năm nay, tạo hiệu ứng tích cực về phát triển kinh tế - xã hội cho TP.HCM.