Theo báo cáo của UBND TP. Cần Thơ, hàng năm vào mùa mưa (đặc biệt từ tháng 8 đến tháng 11 Âm lịch) nhiều khu vực ở thành phố bị ngập với độ sâu phổ biến từ 0,3m - 1,0m. Những năm gần đây, tình hình ngập diễn ra thường xuyên với mức độ ngập cao và kéo dài, đặc biệt là khu vực nội ô thành phố, gây ảnh hưởng, trở ngại lớn cho nhiều hoạt động kinh tế - xã hội của người dân. Đặc biệt là hoạt động giao thông, kinh doanh buôn bán, giáo dục đào tạo, sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường và bộ mặt cảnh quan đô thị ở thành phố...
Thống kê cho thấy, trong 21 năm qua, TP. Cần Thơ có tới 14 năm thủy triều cao trên 2m; trong đó, liên tục 9 năm gần đây cao 2m trở lên, riêng năm 2022 là 2,27m. Đồng thời, xu hướng ngập do thủy triều ngày càng tăng do tình hình mưa và sụt lún tăng lên. Có nhiều nguyên nhân gây ngập ở TP. Cần Thơ, trong đó nguyên nhân chủ yếu vẫn là do triều cường và mưa.
Thực hiện Dự án phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, thành phố đã xây dựng các hạng mục như kè sông Cần Thơ, kè sông Cái Sơn, Mương Khai, âu thuyền Cái Khế, Hàng Bàng, các cống ngăn triều và trạm bơm… kiểm soát ngập cho trên 2.657ha vùng lõi các quận Ninh Kiều, Bình Thủy. Hiện dự án đang dần hoàn thiện để đưa vào khai thác sử dụng. Trước đó, trong đợt triều cường cuối tháng 10.2023, dự án đã vận hành thử nghiệm các cống, âu thuyền… đã phát huy rõ rệt hiệu quả chống ngập vùng nội ô thành phố. Tuy nhiên, diện tích kiểm soát ngập 2.657ha kể trên mới chỉ đạt gần 15% trong tổng số hơn 17.700ha diện tích bao lớn vùng trung tâm thành phố. Hiện, trên địa bàn còn nhiều vị trí ngập rất sâu khi có lũ, triều cường và mưa, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố.
Mới đây, ngày 13/6, UBND TP. Cần Thơ đã có báo cáo đề xuất dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khi hậu kết hợp với chỉnh trang đô thị. Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở NN và PTNT Cần Thơ Nguyễn Văn Sử cho biết: dự án trên có tổng mức đầu tư hơn 4.515 tỷ đồng, dự kiến được thực hiện tại quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy, thời gian triển khai giai đoạn 2024 - 2030. Mục tiêu dự án nhằm chống ngập vùng nội ô thành phố (khoảng 2.770ha), với hạng mục chính như xây dựng bờ kè với tổng chiều dài gần 9km dọc các sông, kênh; xây dựng 1 cống kết hợp âu thuyền và trạm bơm, 11 cống kiểm soát, 8 cống hộp ngăn triều; nâng cấp các tuyến đường dọc bờ kè...
Tại buổi làm việc của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đề án trên, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đề xuất phương án phân kỳ đầu tư triển khai thực hiện dự án. Trước tình trạng hàng chục nhà dân trôi xuống sông mỗi khi xảy ra sạt lở, Bí thư Thành ủy Cần Thơ trăn trở: “Cần Thơ là trung tâm vùng mà để nhà ven kinh rạch lụp xụp vậy coi không được”. Theo Bí thư Thành ủy, nếu dự án được thực hiện, TP. Cần Thơ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, ngoài chống ngập còn bảo đảm được các mục tiêu chống sạt lở, thích ứng với biến đổi khí hậu, kết hợp với chỉnh trang đô thị nhằm thay đổi phương thức sinh sống của người dân, giải quyết căn cơ việc làm cho người dân đô thị. Về nguồn vốn, Bí thư Thành ủy đề xuất hai phương án: xin Chính phủ vay ODA rồi cấp lại cho TP. Cần Thơ, hoặc xin từ nguồn kết dư ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2026.
Làm việc với lãnh đạo TP. Cần Thơ về đề án trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp tán thành với báo cáo đề xuất của thành phố về dự án chống ngập, chống sạt lở, thích ứng biến đổi khí hậu kết hợp chỉnh trang đô thị của thành phố. Thứ trưởng cho rằng: TP. Cần Thơ có đầy đủ pháp lý để triển khai các dự án chống ngập, chống sạt lở, các dự án phát triển kinh tế xã hội. Đối với dự án chống ngập, chống sạt lở, thích ứng biến đổi khí hậu kết hợp chỉnh trang đô thị với diện tích 2.700ha trên địa bàn TP. Cần Thơ theo đề xuất của thành phố là hoàn toàn đúng, phù hợp với quy hoạch. Dự án được triển khai sẽ giúp thành phố thực hiện được nhiều mục tiêu quan trọng.
Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra mới chỉ là ý kiến ban đầu, do đó cần phải tiếp tục nghiên cứu chi tiết hóa đồ án để dự án mang tính bền vững cao hơn, thiết thực hơn. Theo đó, TP. Cần Thơ cần nghiên cứu dự án trên cơ sở lớn hơn, rộng hơn về quy mô để các khu vực còn lại sau này không phải tiếp tục đầu tư, tránh lãng phí; đồng thời, nghiên cứu đầu tư các hồ chứa nước nhằm vừa tích nước, xử lý các vấn đề về mưa, vừa tạo cảnh quan cho thành phố.