TP. Hồ Chí Minh sắp triển khai loạt dự án chống ngập

Minh Châu|12/05/2024 14:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

TP Hồ Chí Minh sắp triển khai nhiều dự án cải tạo hệ thống thoát nước để xóa ngập cho các tuyến đường trục chính bị ngập do mưa.

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2024 - 2025, trong đó có kế hoạch xóa các tuyến đường ngập do mưa trên địa bàn thành phố.

Theo Kế hoạch, TP.HCM sẽ khởi công 3 dự án chống ngập do mưa trên địa bàn quận Gò Vấp. Các dự án chống ngập này, bao gồm: Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối và đường Lê Văn Thọ; Cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ đường Phạm Văn Chiêu đến cầu chợ Cầu) và cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ đoạn đường Phạm Văn Chiêu đến cầu Cụt).

Ngoài 3 dự án được khởi công, TP.HCM cũng chuẩn bị đầu tư cho 7 dự án khác, bao gồm: Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng và cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (TP. Thủ Đức); Nạo vét trục thoát nước rạch bà Lớn (huyện Bình Chánh), rạch Bàu Trâu (quận 6); Cải tạo hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng (quận Tân Bình); Hệ thống thoát nước quốc lộ 1A và xây dựng hệ thống thoát nước đường Phan Anh (quận Tân Phú). Thành phố cũng chỉ đạo tiếp tục nâng cấp, cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước để kết nối đồng bộ, đảm bảo thoát nước cho khu đô thị và khu dân cư mới.

ngap-ung.jpg
Ảnh minh họa.

Cũng theo Kế hoạch trên của UBND TP.HCM, trên cơ sở các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định trước đây, trong giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư các công trình phù hợp định hướng phát triển chung. Trước mắt, tổ chức rà soát cơ sở pháp lý và chính sách mời gọi đầu tư để tham mưu nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư công trình, đặc biệt, ưu tiên thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp với đơn vị tư vấn của Hà Lan thực hiện "Sáng kiến hợp tác công - tư cho Kế hoạch chống ngập bền vững cho TP.HCM tại khu vực TP. Thủ Đức”.

Về giải pháp trung hạn và dài hạn, UBND TP.HCM cho biết: Trong thời gian tới, Thành phố sẽ khởi công và hoàn thành nhiều dự án xây dựng hệ thống thoát nước. Thứ nhất là dự án Xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên, đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành dự án trong năm 2025.

Thứ hai là dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), khởi công trên địa bàn quận Gò vấp trong tháng 8/2024, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2025, khởi công trên địa bàn quận Bình Thạnh trong tháng 4/2025. Thứ ba là dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát và dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn, đẩy nhanh tiến độ dự án, phấn đấu khởi công dự án trong năm 2025.

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến năm 2023, TP Hồ Chí Minh còn 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa và 5 tuyến đường trục chính ngập do triều cường.

Cụ thể, các tuyến trục chính ngập do mưa gồm: Phan Anh, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối, Hồ Học Lãm, Quốc Lộ 1A, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng. Các tuyến trục chính ngập do triều gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (Quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè) và Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh).

Đối với công tác xóa, giảm ngập do mưa, sau khi 3 dự án cải tạo hệ thống thoát nước ở quận Gò Vấp hoàn thành sẽ giải quyết được 4/13 tuyến đường trục chính bị ngập. Đồng thời, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án Giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1 sẽ giải quyết được 5 tuyến đường ngập do triều.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP. Hồ Chí Minh sắp triển khai loạt dự án chống ngập
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.