Chính phủ tung gói tín dụng 250.000 tỉ đồng cấp bách hỗ trợ sản xuất kinh doanh

Mai An (t/h)|07/03/2020 05:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hàng loạt biện pháp được đưa ra để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19, trong đó là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19.

Chỉ thị nêu rõ với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu.

Tuy nhiên, nhận định tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, có nguy cơ bùng phát tại nhiều nước, tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nhiều nước, đối tác lớn của Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục tập trung cao độ phòng chống dịch bệnh, có ngay những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, nỗ lực cao nhất thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.

Các giải pháp tập trung được Thủ tướng nêu ra, trước hết là tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử, đáng chú ý là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng.

Thủ tướng vừa có chỉ thị tháo gỡ cho khó khăn cho sản xuất kinh doanh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch.

Thủ tướng cũng yêu cầu chưa điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong quý I và II.

Một trong những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là khó khăn ở cả thị trường đầu vào – nhập khẩu nguyên liệu và đầu ra. Vì thế, Thủ tướng giao Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho sản xuất trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước.

Bộ Công Thương có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hoá các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới. Song song đó, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

>>>Xem thêm:Năm 2020: GDP có thể chỉ tăng 5,96% do dịch Covid-19, du lịch dự báo thiệt hại 5 tỉ đô

Thủ tướng cũng chỉ đạo khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh…

Các giải pháp khác bao gồm xử lý vướng mắc về lao động và đẩy mạnh thông tin truyền thông với chủ đề “Sống an toàn”, “Việt Nam an toàn”, trong đó khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Mai An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chính phủ tung gói tín dụng 250.000 tỉ đồng cấp bách hỗ trợ sản xuất kinh doanh
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.