Y tế

Chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết sau bão lũ

Thu Phương 26/09/2024 10:06

Do ảnh hưởng của bão số 3, những ngày qua nhiều địa phương của thành phố Hà Nội rơi vào cảnh ngập lụt. Đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển. Nếu không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt nguy cơ có thể bùng phát thành dịch.

Sau mưa lũ, không chỉ thiệt hại về tài sản mà môi trường ẩm ướt còn trở thành điều kiện lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh mẽ. Việc nhận biết và cảnh giác với nguy cơ gia tăng dịch bệnh là vô cùng cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những cảnh báo bệnh sốt xuất huyết tăng sau mùa mưa lũ, giúp mọi người chủ động trong việc phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe.

Muỗi truyền bệnh sinh sôi mạnh

Từ sau cơn bão số 3 đến nay, TP Hà Nội vẫn còn nhiều khu vực đang trong tình trạng ngập lụt. Theo các chuyên gia, ở những nơi nước ngập kéo dài, tù đọng, ô nhiễm... là môi trường thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.

20210506_nguyen-nhan-gay-benh-sot-xuat-huyet.png
Mưa lũ kéo dài là điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển

Đáng lo ngại, hiện nay đang vào giai đoạn chuyển mùa tháng 9-10, thường là đỉnh dịch sốt xuất huyết theo quy luật hàng năm, nguy cơ bùng mạnh dịch sốt xuất huyết lớn nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, riêng trong tuần từ ngày 13-19/9, thành phố ghi nhận thêm 285 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong, với 23 ổ dịch tại 19 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã ghi nhận 3.251 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong.

Hiện có 30 quận, huyện, thị xã đều có ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc như: Đan Phượng, Thạch Thất, Hà Đông, Cầu Giấy; Chương Mỹ; Thanh Oai, Đống Đa…

Đại diện CDC Hà Nội nhận định, với điều kiện thời tiết diễn biến mưa nhiều, ngập lụt diện rộng như hiện nay, dễ tạo điều kiện thuận lợi phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Kết quả giám sát chỉ số muỗi, bọ gậy tại các ổ dịch vẫn ở mức cao, vượt ngưỡng nguy cơ.

TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết: Nguyên nhân phát sinh dịch sốt huyết sau bão lũ là tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường… và khả năng tiếp xúc giữa người dân và các nguồn lây gia tăng, dẫn đến nguy cơ bùng dịch. Bên cạnh đó, sự chủ quan của người dân cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ lây lan dịch.

Chủ động kịp thời, ứng phó với các tình huống

Bộ Y tế đã ban hành khuyến cáo, hướng dẫn người dân phòng ngừa các dịch bệnh thường gặp trong điều kiện mưa lũ. Bộ yêu cầu các cơ quan, tổ chức và người dân chủ động tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, theo nguyên tắc chủ động từ sớm, từ xa. Người dân cần tìm hiểu thông tin, thực hiện theo các khuyến cáo về đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường từ các cơ quan y tế và chính quyền.

img_1684_1a6fb.jpeg
Vệ sinh nhà cửa, phun khử khuẩn phòng chống sốt xuất huyết

Phòng chống bệnh sốt xuất huyết chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn muỗi truyền bệnh và giảm thiểu môi trường sống của chúng. Về việc đảm bảo vệ sinh môi trường phòng bệnh, các đơn vị tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng do ngập lụt; phối hợp với ban ngành, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi nước rút theo phương châm: Nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường.

Ngay sau khi nước rút dần, công tác y tế dự phòng đang được các đơn vị y tế tập trung đẩy mạnh, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, dọn dẹp, xử lý môi trường, xử lý nước, thu gom, quản lý chất thải, đảm bảo vệ sinh cá nhân, phòng chống ngộ độc thực phẩm… phấn đấu không để dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết bùng phát. Công tác vệ sinh môi trường được triển khai theo phương thức nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó, xử lý xác súc vật chết, dùng phèn chua, Cloramin B để khử trùng nước là một số giải pháp xử lý môi trường sau bão lũ để có nguồn nước sinh hoạt an toàn.

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, chính quyền, các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực để khắc phục hậu quả, nhưng sự chủ động từ phía người dân là yếu tố quan trọng giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Việc tuân thủ các biện pháp vệ sinh, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, kịp thời báo cáo các triệu chứng bất thường sẽ giúp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước những hiểm họa từ thiên tai. Sự đoàn kết, chung tay của cả xã hội chính là chìa khóa giúp ngăn chặn dịch bệnh xuất hiện sau lũ.

Bài liên quan
  • Cách phòng tránh một số bệnh hay gặp mùa thu đông
    Thời tiết thay đổi là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, virus có hại phát triển và gây bệnh. Trong khi đó, thời điểm giao mùa thu đông, cơ thể chúng ta chưa kịp thích nghi, dẫn tới đề kháng bị giảm mạnh và đó là nguyên nhân dễ mắc các bệnh giao mùa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết sau bão lũ