Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Hoàng Khải|06/07/2021 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện về ứng phó áp thấp nhiệt đới.

Ảnh minh họa.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 06/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 07/7, vị trí tâm bão ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Tây Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,5 đến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão trên vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 08/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Cảnh báo gió mạnh trên biển: Vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2,5-4,5m; biển động mạnh.

Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2,0-3,0m; biển động.

Khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Từ chiều mai (07/7) đến hết ngày 08/7, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt (khu vực mưa lớn nhất tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An).

Chủ động ứng phó với cơn ATNĐ

Trưa ngày 6/7, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (Ban chỉ đạo) đã có công điện số 7 yêu cầu các tỉnh, thành phố Bắc bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa, các bộ ngành liên quan chủ động ứng phó với cơn ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão gây gió mạnh trên Biển Đông và tạo ra đợt mưa lớn diện rộng.

Theo đó, Ban chỉ đạo yêu cầu trên tuyến biển phải thông báo cho chủ các phương tiện, biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Cạnh đó, các tỉnh ven biển quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi, tùy theo diễn biến của ATNĐ để chủ động cấm biển.

Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ và ven biển chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, các tuyến đê xung yếu, khu vực sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp… khi ATNĐ đổ bộ.

Đối với vùng núi, yêu cầu rà soát các nhà ở không an toàn để kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo… theo chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Đặc biệt triển khai ngay việc rà soát phương án sơ tán, di dân đảm bảo an toàn hai mục tiêu phòng, chống thiên tai và dịch COVID-19 cho người dân, các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai tại khu vực ảnh hưởng của bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét. Thời gian hoàn thành trước 16 giờ chiều ngày 7/7.

Hoàng Khải

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.