Chủ động ứng phó với mưa dông diện rộng và mưa lớn cục bộ

Khánh Linh|02/10/2023 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa dông diện rộng và mưa lớn cục bộ để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, ngày và đêm 2/10, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét: cấp 1.

mua-dien-rong.jpg
Ảnh minh họa

Ngày và đêm 2/10, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-7.

Trên các sông khu vực Trung Bộ,sông Cả (Nghệ An), mực nước lúc 7h ngày 2/10 tại Thạch Giám là 66,53m (trên báo động 1 là 0,53m). Dự báo, mực nước sông Cả tiếp tục xuống. Đến chiều tối ngày 2/10, mực nước hạ lưu tại Nam Đàn xuống dưới mức báo động 1.

Trên các sông khác ở Trung Bộ, mực nước thượng lưu biến đổi chậm, mực nước hạ lưu dao động theo thủy triều và điều tiết hồ chứa.

Đáng chú ý, trên các sông khu vực Nam bộ,mực nước sông Cửu Long đang lên, mực nước cao nhất ngày 1/10 trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,02m, Mỹ Thuận 2,03m (trên báo động 3 0,23m); trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,85m, Cần Thơ là 2,13m (trên báo động 3 0,13m); trên sông Sài Gòn tại Phú An là 1,64m (trên báo động 3 0,04m).

Dự báo, trong 1-2 ngày tới, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên sau đó sẽ xuống theo triều. Đến ngày 5/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,8m và tại Châu Đốc ở mức 2,6m; tại các trạm hạ lưu xuống mức báo động 1.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa dông diện rộng và mưa lớn cục bộ để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với triều cường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó với mưa dông diện rộng và mưa lớn cục bộ