Công nghiệp thời trang nhanh và những ảnh hưởng đến môi trường

Nhật Trịnh|05/12/2023 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sự bùng nổ của ngành công nghiệp thời trang nhanh đã và đang dần trở thành xu hướng trên thị trường. Tuy nhiên đằng sau đó là những hệ lụy khôn lường gây ảnh hưởng đến môi trường.

Thuật ngữ thời trang nhanh, hay còn được gọi là thời trang ăn liền (tiếng Anh: Fast Fashion), được sử dụng để mô tả các quy trình cực kỳ nhanh và rẻ tiền được sử dụng trong ngành công nghiệp thời trang. Thị trường thời trang nhanh có ảnh hưởng và giúp ngành công nghiệp thời trang phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, tỉ lệ thuận với sự phát triển đó là những tác động xấu đến môi trường.

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tháng 3/2023, ngành công nghiệp thời trang chiếm 10% lượng khí thải carbon toàn cầu hàng năm.

thoi-trang-nhanh.jpg
Ảnh minh họa

Theo ước tính, số lượng quần áo được sản xuất ngày nay đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000. Số lượng người tiêu dùng ngày nay mua quần áo tăng 60%, tuy nhiên thời gian mặc chúng giảm chỉ còn một nửa.

Để giữ chi phí sản xuất ở mức thấp, các sản phẩm thời trang nhanh thường được làm từ chất liệu polyester - một loại sợi tổng hợp và rẻ làm từ dầu mỏ (loại nhiên liệu hóa thạch không thể tái tạo). Polyester có thể mất khoảng 200 năm để phân hủy.

Bên cạnh đó, liên quan đến vải thì không thể không nói đến việc sản xuất bông. Sản xuất bông chủ yếu dựa vào thuốc trừ sâu. Trong khi chỉ 2,4% diện tích đất canh tác trên thế giới được trồng bông và 11% thuốc trừ sâu trên thế giới được sử dụng để trồng bông. Bông cũng là cây trồng cần nhiều nước nhất. Cần từ 7.000 đến 29.000 lít nước để sản xuất một kg bông. Điều này phải trả giá đắt cho môi trường và các cộng đồng sống gần các cơ sở sản xuất bông

Ngoài ra, theo dữ liệu của tổ chức phi lợi nhuận Earth.org, các nguyên liệu may chỉ có thể sử dụng được từ 7-10 lần mặc.

Không những vậy, ngành công nghiệp thời trang nhanh còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lao động giá rẻ. Theo số liệu từ Đại học George Washington (Mỹ), hiện có khoảng 75 triệu công nhân may mặc trên khắp thế giới nhưng chỉ 2% trong số đó có mức lương đủ sống.

Các công ty may mặc có xu hướng chuyển nhà máy sản xuất sang các quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan. Theo Humanium, một Tổ chức quốc tế chuyên hỗ trợ quyền trẻ em, công nhân làm trong các nhà máy, xí nghiệp may mặc phải làm trong điều kiện nguy hiểm với mức lương rất thấp và trong số họ có nhiều người là trẻ em.

Vấn đề đặt ra lúc này là rất cần sự thay đổi ở cấp độ vĩ mô của ngành thời trang, trước tiên có thể bắt đầu từ các nhà bán lẻ với giải pháp tìm nguồn nguyên liệu bền vững và khử carbon trong chuỗi cung ứng của mình. Một loạt các giải pháp cụ thể được đưa ra như: chuyển sang các loại vải có thể tái chế như bông hoặc những loại tiêu thụ ít nước hơn như vải lanh; nên bắt đầu sử dụng sợi tự nhiên hoặc bán tổng hợp để giảm thiểu chất thải dệt may; cần có giờ làm việc tối ưu, điều kiện làm việc lành mạnh và không gian an toàn cho người lao động; các thương hiệu thời trang cần cam kết chuyển sang thương hiệu bền vững; tái chế hoặc quyên góp quần áo thay vì bỏ chúng vào thùng rác.

Về phía các công dân trên toàn cầu, nếu thực sự mong muốn trở thành người tiêu dùng thông thái, góp phần chung tay giảm thiểu tác hại của thời trang nhanh đến môi trường, mỗi người đều có thể tham khảo một số gợi ý như: lựa chọn các thương hiệu thời trang bền vững; ưu tiên chất lượng thay vì số lượng; quyên góp hoặc bán quần áo đã qua sử dụng; trao đổi quần áo với bạn bè, người thân, tái chế quần áo cũ thành các vật dụng hữu ích khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp thời trang nhanh và những ảnh hưởng đến môi trường