COP27 đạt được thỏa thuận lịch sử, thành lập quỹ bù đắp thiệt hại từ các thảm họa khí hậu

Minh Lâm|21/11/2022 09:12
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sau các cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài, các quốc gia đã thông qua một thỏa thuận cuối cùng tại hội nghị khí hậu COP27 ở Ai Cập trong đầu ngày 20/11 nhằm thành lập quỹ hỗ trợ các quốc gia nghèo đang bị ảnh hưởng bởi thảm họa khí hậu.

cop27.jpg
Các đại biểu hoan nghênh khi Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry phát biểu trong phiên họp bế mạc của hội nghị COP27 ở khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh, Ai Cập, ngày 20/11/2022. Ảnh: Reuters

Sau các cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài suốt đêm, chủ tịch COP27 là Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã công bố văn bản cuối cùng cho một thỏa thuận và đồng thời triệu tập một phiên họp toàn thể để nhanh chóng thông qua thỏa thuận.

Theo Reuters, Chủ tịch COP27, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã chính thức gõ búa tuyên bố Thỏa thuận chung đại diện cho sự đoàn kết về chính trị, được thông qua bằng sự đồng thuận của tất cả các nước dự hội nghị.

Trước đó, đại diện các nước dự COP27 đã nhất trí thành lập một quỹ đặc biệt mang tên "tổn thất và thiệt hại" để bù đắp phần nào những hậu quả mà các quốc gia dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của sự nóng lên toàn cầu.

COP27 lẽ ra kết thúc vào ngày 18/11, nhưng đã kéo dài thêm 2 ngày để gần 200 quốc gia tham dự tìm tiếng nói chung. Các cuộc đàm phán căng thẳng liên quan từ ngữ và nội dung trong văn bản kéo dài suốt đêm 19/11 tới rạng sáng 20/11 (giờ Ai Cập).

Các nước đang phát triển lâu nay tin rằng, nhóm các nước giàu có nghĩa vụ góp quỹ để bù đắp những thiệt hại khí hậu không thể tránh được cho các nước nghèo, vốn đang phải chịu các thảm họa khí hậu như hạn hán, bão lụt và nước biển dâng cao.

Lấy ví dụ về những đợt thiên tai gần đây ở khu vực Nam Á, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính chỉ riêng lũ lụt ở Pakistan đã gây thiệt hại về kinh tế lên tới 30 tỷ USD.

Dù quỹ đặc biệt được thành lập, nhưng COP27 sẽ để hội nghị COP28 đưa ra những khuyến nghị về việc quốc gia nào nào nên đóng góp vào quỹ đó. Một "uỷ ban chuyển tiếp" sẽ được thành lập phục vụ nỗ lực này.

Nhiều phái đoàn dự COP27 hoan nghênh động thái thành lập quỹ hỗ trợ kể trên. Ông Collins Nzovu, Bộ trưởng phụ trách kinh tế xanh và môi trường Zambia, nói ông "rất phấn khích" và mô tả đây là "kết quả rất tích cực cho 1,3 tỷ người dân châu Phi".

Theo Reuters, nội dung thành lập quỹ bồi thường này vốn không nằm trong chương trình nghị sự ban đầu. Tuy nhiên, trước nỗ lực của các nước đang phát triển, đây đã trở thành chủ đề được quan tâm hàng đầu tại COP27.

Mặc dù phát thải ít, song các nước đang phát triển lại phải gánh chịu thiệt hại nặng nề trước những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán và nắng nóng nghiêm trọng. Theo một nghiên cứu vào năm 2018, tùy thuộc vào mức độ mà thế giới cắt giảm lượng khí thải CO2, tổn thất và thiệt hại do BĐKH có thể khiến các nước đang phát triển tổn thất 290-580 tỷ USD/năm vào năm 2030 và 1.000-1.800 tỷ USD vào năm 2050. Những nước này đã có nhiều năm đấu tranh để yêu cầu các nước phát triển có lượng phát thải lớn phải bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà họ phải gánh chịu từ ảnh hưởng của BĐKH.

Trong những tháng gần đây, khó khăn càng đè nặng lên nước đang phát triển khi họ vừa phải căng mình đối phó với thảm họa thiên nhiên, vừa phải chật vật vì lạm phát leo thang, khủng hoảng lương thực và năng lượng... Ví như Pakistan, quốc gia này phải trải qua trận lụt kinh hoàng trong năm nay, khiến 1.700 người thiệt mạng. Dù chỉ góp chưa đầy 1% vào tổng lượng khí thải toàn cầu khiến trái đất ấm lên, song Pakistan lại hứng chịu hậu quả khủng khiếp của BĐKH. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính chỉ riêng lũ lụt tàn khốc ở Pakistan đã gây thiệt hại về kinh tế lên tới 30 tỷ USD.

Do đó, thỏa thuận đạt được tại thành phố nghỉ mát Sharm El-Sheikh của Ai Cập là một thắng lợi lớn đối với các quốc gia đang phát triển. Trả lời AFP, ông Collins Nzovu, Bộ trưởng phụ trách kinh tế xanh và môi trường Zambia, chia sẻ rằng ông “rất phấn khích”, đồng thời mô tả đây là “kết quả rất tích cực cho 1,3 tỷ người dân châu Phi”. Về phần mình, ông Mohamed Adow, Giám đốc điều hành Viện chính sách Power Shift Africa có trụ sở tại Kenya, nhấn mạnh: “Khi COP27 bắt đầu, việc bàn về những thiệt hại và tổn thất thậm chí còn không nằm trong chương trình nghị sự và giờ đây, chúng ta đã làm nên lịch sử”. Trong khi đó, theo AP, Bộ trưởng Tài chính Tuvalu Seve Paeniu nêu rõ: “Sau 3 thập kỷ, chúng ta cuối cùng cũng tìm được công lý về BĐKH”.

Bài liên quan
  • Bồi thường biến đổi khí hậu - Vấn đề nóng tại COP 27
    Cuộc tranh luận về bồi thường "mất mát và thiệt hại" do biến đổi khí hậu đã được đưa vào chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị lần thứ 27 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
COP27 đạt được thỏa thuận lịch sử, thành lập quỹ bù đắp thiệt hại từ các thảm họa khí hậu