COP27 lẽ ra kết thúc vào ngày 18-11 theo lịch trình, nhưng đã kéo dài thêm 2 ngày để tìm kiếm sự đồng thuận của gần 200 quốc gia tham dự. Nước chủ nhà COP27 là Ai Cập đưa ra bản dự thảo thỏa thuận chung và sau đó triệu tập một phiên họp toàn thể để thảo luận và đi đến thống nhất. Các cuộc đàm phán căng thẳng liên quan từ ngữ và nội dung trong văn bản kéo dài suốt đêm 19-11, sang đầu ngày 20-11 (giờ Ai Cập).
Trong buổi làm việc xuyên đêm, vào đầu ngày 20-11, các nước tham gia hội nghị đã thông qua một điều khoản quan trọng về việc thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" để giúp các nước đang phát triển bị thiệt hại do các thảm họa khí hậu như bão và lũ lụt gây ra. Chủ tịch COP27 Sameh Shoukry đã gõ búa tuyên bố Thỏa thuận chung đại diện cho sự đoàn kết về chính trị, được thông qua bằng sự đồng thuận của tất cả các nước dự hội nghị.
Liệu có nên thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" hay không là một trong những bất đồng lớn tại COP27. Các nước đang phát triển cho rằng các nước giàu có nghĩa vụ trả cho quỹ để bồi thường những thiệt hại khí hậu không thể tránh được cho các nước nghèo, vốn đang phải chịu các thảm họa khí hậu như hạn hán, bão lụt và nước biển dâng.
Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức Svenja Schulze cho rằng Trung Quốc cũng có nghĩa vụ đóng góp bồi thường thiệt hại khí hậu cho các nước nghèo.
Theo Bộ trưởng Schulze, Trung Quốc hiện không còn là một quốc gia đang phát triển và nước này đang chiếm tới 28% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, do đó Trung Quốc cũng phải có nghĩa vụ đóng góp giải quyết thiệt hại.
Mặc dù COP27 thống nhất thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" song hội nghị "nhường" những quyết định "gây tranh cãi" nhất liên quan đến quỹ này cho hội nghị năm sau, khi một "ủy ban chuyển tiếp" sẽ đưa ra khuyến nghị để các quốc gia thông qua tại Hội nghị COP28 vào tháng 11-2023.
Những khuyến nghị đó sẽ liên quan đến việc "xác định và mở rộng các nguồn tài trợ", trả lời câu hỏi khó chịu rằng quốc gia nào nên đóng góp vào quỹ.