Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cập nhật đến chiều 12.2, cả nước đã ghi nhận có 10 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) do chủng virus A/H5N6 gây ra tại 5 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và Bắc Ninh với tổng số gia cầm phải tiêu hủy trên 43.000 con. Mới nhất là tỉnh Bắc Ninh, tính đến ngày 11.2, địa phương này đã ghi nhận 2 ổ dịch CGC xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi tại phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh) và xã Việt Thống (huyện Quế Võ) làm chết và tiêu hủy 8.731 con vịt.
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, hiện nay, bệnh cúm gia cầm là bệnh địa phương, đã được kiểm soát tốt, dịch bệnh không xảy ra ở diện rộng; các ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh xuất hiện ở 1-2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có gia cầm chưa tiêm phòng vaccine.
Tuy nhiên, thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như tổng đàn gia cầm rất lớn (467 triệu con); điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao; việc tổ chức tiêm vaccine cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ.
Đã có 5 địa phương xuất hiện cúm gia cầm, tiêu hủy hơn 43.000 con. Ảnh minh họa
Do đó, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus mới Corona (Covid-19) gây ra.
Về vắc xin cúm gia cầm, Cục Thú y cho biết, trong quý I/2020, lượng vắc xin cúm gia cầm trong kho của các doanh nghiệp có thể cung ứng cho thị trường là khoảng 51 triệu liều. Dự kiến cả năm 2020, tổng số vắc xin sản xuất trong nước và nhập khẩu khoảng 500 triệu liều; trong đó vắc xin sản xuất trong nước khoảng 200 triệu liều.
Để chủ động nguồn vắc xin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sản xuất được một số loại vắc xin phòng bệnh quan trọng như: CGC Navet-Vifluvac và Navet-Fluvac 2. Bộ đang tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác cùng tham gia sản xuất vắc xin cúm gia cầm.
Theo Cục Thú y, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do chủng virus cúm A/H5N6.
Cục Thú y cũng cho biết virus cúm A/H5N6 được phát hiện tại Việt Nam từ năm 2014, hằng năm các chủng vi rút này vẫn gây ra các ổ dịch trên đàn gia cầm của 1 – 2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa tiêm phòng vắc xin nhưng được kiểm soát tốt, không để lây lan trên diện rộng.
Lê Mai (t/h)