Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trên địa bàn thành phố, từ đầu năm 2020 đến nay đã phát sinh ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại huyện Chương Mỹ. Tính đến nay, tại xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có 4 hộ chăn nuôi gia cầm ốm chết, trong đó 1 hộ chăn nuôi dương tính với cúm A/H5N6. Tổng số gia cầm tiêu hủy của 4 hộ là 6.807 con.
Cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút cúm thuộc nhóm A/H5N6 gây ra. Đường lây truyền của bệnh rất rộng, lây trực tiếp giữa gia cầm khỏe với con ốm, có thể lây truyền gián tiếp qua không khí, thức ăn, nguồn nước, quần áo, dụng cụ chăn nuôi và các loài gặm nhấm. Nguy hiểm hơn, có chủng vi rút cúm lây nhiễm sang người như chủng vi rút H5N6 có thể gây tử vong.
Hà Nội quyết tâm không để dịch cúm gia cầm bùng phát
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nhận định thời gian tới nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn rất cao do một số nguyên nhân: Thời tiết có diễn biến bất lợi, mưa phùn, lạnh, ẩm ướt làm sức đề kháng vật nuôi giảm, mầm bệnh có điều kiện phát sinh.
Mặt khác, chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố chiếm tỷ lệ cao, nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm còn thấp.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tập trung triển khai các giải pháp để phòng chống dịch như: Chỉ đạo Chỉ cục Chăn nuôi và Thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; chuẩn bị vật tư, hóa chất, vắc xin để triển khai các giải pháp phòng, chống dịch kịp thời; tăng cường kiểm tra tình hình chăn nuôi.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo các đơn vị trực thuộc giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở, kịp thời phát hiện, khoanh vùng và xử lý nhanh gọn khi có ổ dịch xảy ra. Duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông và Tổ Kiểm dịch động vật liên ngành lưu động thành phố. Kiểm tra, rà soát, bổ sung đầy đủ vật tư, hóa chất phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm trái phép vào địa bàn. Làm tốt công tác tuyên truyền để người chăn nuôi tự chủ động phòng dịch bệnh.
Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để không để dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Triển khai thực hiện tốt đợt tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Triển khai công tác tiêm phòng đại trà đạt 1 năm 2020.
Hạnh Trang (T/h)