Đà Nẵng: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu thế giới ma nhai

Gia Hân|24/02/2023 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 24/2, UBND TP Đà Nẵng tổ chức họp báo cung cấp thông tin về Lễ hội Quán Thế Âm và Lễ đón nhận Bằng công nhận ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Năm 2023, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức với quy mô cấp thành phố. Đây là lễ hội diễn ra hằng năm vào ngày 19/2 Âm lịch. Lễ hội là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo, là nỗ lực của người dân địa phương trong việc phục dụng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; là dịp để phật tử nói riêng và nhân dân nói chung cầu cho Quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người.

di-san-ma-nhai.jpg
Toàn cảnh buổi họp báo ngày 24/2

Nghi lễ chính thức của Lễ hội là Lễ Vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm diễn ra lúc 7 giờ ngày 10/3 (ngày 19/2 Âm lịch). Trong khuôn khổ lễ hội có lễ dâng hương Tưởng niệm Huyền Trân Công chúa, lễ tế Xuân cầu Quốc thái dân an; các hoạt động diễn thuyết về giá trị Ma nhai Ngũ Hành Sơn vừa được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra còn có các hội thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, các gian trưng bày giới thiệu về đá Non Nước; biểu diễn thả diều nghệ thuật, trình diễn khinh khí cầu; diễu hành xe hoa, đua thuyền truyền thống… Đặc biệt, tại lễ khai mạc vào lúc 19 giờ ngày 8/3 sẽ công bố, trao chứng nhận Kỷ lục Việt Nam cho độc bản lá Bồ Đề lớn nhất được mạ vàng 24k và chứng nhận cho độc bản 16 bức tranh sứ màu được cẩn trên tường của 4 ngôi tháp ở chùa Quán Thế Âm.

Ông Nguyễn Hòa nhấn mạnh, Lễ hội năm nay được tổ chức quy mô, hoành tráng sau thời gian dài tạm ngưng do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 với tiêu chí 5 không: Không có trộm, cướp và tệ nạn xã hội; không có lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng; không xả rác, không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; không chèo kéo khách, nâng giá, ép giá; không phóng sinh và các hoạt động mê tín dị đoan.

Năm 2000, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã được Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước. Năm 2021, Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

di-san-ma-nhai(1).jpg
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng là một trong những lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của đạo Phật.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản ma nhai

Lễ đón nhận Bằng công nhận ma nhai (văn tự khắc lên vách đá tự nhiên) tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sẽ diễn ra vào lúc 8h ngày 1/3 tại Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn).

Trước đó, ngày 26/11/2022, tại hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là 1 trong 9 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh.

Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động của Danh thắng Ngũ Hành Sơn, với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX.

Tại động Hoa Nghiêm có 20 ma nhai, động Huyền Không có 30 ma nhai (trong đó có ngự bút của vua Minh Mạng), động Tăng Chơn có 20 ma nhai, động Vân Thông có 2 ma nhai, động Linh Nham có 3 ma nhai. Tại hang Văn Cân Nguyệt Quật, động Thiên Phước Địa, hang Vân Nguyệt Cốc có 3 bia ma nhai ngự bút của vua Minh Mạng năm 1837, khắc ghi tên hang, động…

Tại buổi họp báo, các phóng viên quan tâm đặt câu hỏi về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản ma nhai Ngũ Hành Sơn. Về vấn đề này, đại diện Ban quản lý di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết, sắp tới đơn vị sẽ phối hợp với ngành du lịch mở 10 lớp cập nhật kiến thức về ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn cho hơn 1.000 hướng dẫn viên du lịch, đây là bước đầu tiên. Tiếp theo, ban cho nhập dữ liệu toàn bộ 78 tác bản ma nhai. Những tác bản này, trong lễ đón bằng sẽ tổ chức triển lãm, giới thiệu 26 tác bản ma nhai với nội dung được phiên dịch đầy đủ.

Sau khi kết thúc lễ hội Quán Thế Âm, toàn bộ tác bản gốc của ma nhai sẽ được tuyên truyền ở các trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Hiện nay, Ban quản lý di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã tiến hành số hóa toàn bộ bia ma nhai. Sau khi số hóa sẽ cập nhật toàn bộ thông tin lên bản đồ di sản Đà Nẵng. Bên cạnh đó, tại mỗi hang động có bia ma nhai sẽ gắn bảng giới thiệu cụ thể và có mã QR Code.

Ngoài ra, ban đang phối hợp mời các chuyên gia ở cục di sản tiến hành nghiên cứu đưa ra phác đồ bảo quản toàn bộ 78 tác bản ma nhai Ngũ Hành Sơn. Bên cạnh đó, ban sử dụng công nghệ chiếu sáng hiện đại chiếu sáng tất cả các tác bản ma nhai để du khách chiêm ngưỡng được toàn bộ giá trị đặc sắc của di sản này.

Bài liên quan
  • Đà Nẵng: Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tăng mảng xanh đô thị
    Xã hội hóa trồng cây xanh là giải pháp được các địa phương trên địa bàn thành phố Đà Nẵngtriển khai và đã mang lại hiệu quả cao. Qua đây nâng cao nhận thức của người dân trong việc trồng, bảo vệ cây xanh, cải thiện môi trường sống của cộng đồng, tăng cường mảng xanh đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đà Nẵng: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu thế giới ma nhai