Đà Nẵng: Cần sớm xây kè chống sạt lở các bờ sông

Vũ Thành|21/08/2023 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

TP. Đà Nẵng sẽ xây dựng các tuyến kè tại các vị trí xung yếu với tổng chiều dài khoảng 13,61km, tăng 2,54km so với quy mô đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 11/3/2022.

Theo Nghị quyết số 28/NQ-HĐND của UBND TP. Đà Nẵng về việc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp tại vị trí xung yếu các tuyến sông trên địa bàn. Cụ thể, đoạn kè qua địa bàn thôn An Trạch, xã Hòa Tiến (bờ hữu), thuộc sông Yên có chiều dài 0,28km; đoạn kè qua thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương (bờ tả), thuộc sông Yên có chiều dài 2,65km; đoạn kè qua xã Hòa Phú (bờ hữu) có chiều dài khoảng 3,0km; đoạn kè qua thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú (bờ tả), thuộc sông Túy Loan, chiều dài 0,69 km; đoạn kè qua xã Hòa Nhơn (bờ tả) có chiều dài khoảng 4,9km; đoạn kè qua xã Hòa Phong (bờ hữu), chiều dài khoảng 0,8km; đoạn kè qua thôn Quá Giáng (bờ tả), xã Hòa Phước, thuộc sông Vĩnh Điện có chiều dài 0,668km; và đoạn kè qua thôn Quá Giáng (bờ tả) xã Hòa Phước, thuộc sông Vĩnh Điện có chiều dài 0,622km.

Dọc các tuyến sông Yên, sông Cu Đê, sông Túy Loan, sông Vĩnh Điện, sông Quá Giáng, bên cạnh những bờ kè đã xây dựng hoàn thành, vẫn còn các điểm sạt lở cần phải sớm triển khai thi công, đặc biệt là mùa mưa bão sắp tới. Không ít người dân sinh sống ven sông các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Nhơn… lo lắng mỗi khi lũ, lụt tràn về.

ke-chong-sat-lo.jpg
Dự án chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Yên có tổng kinh phí hơn 125 tỉ đồng

Chị Phạm Thị Tuất (thôn Hòa Phước xã Hòa Phú) cho biết, trước đây khu vực bờ sông dọc thôn thường xuyên bị sạt lở nặng, cứ sau mỗi đợt lụt là dòng sông có sự dịch chuyển dòng chảy. Mới đây, thành phố đã cho xây dựng một bờ kè dài chống sạt lở khẩn cấp chạy dọc phía nam của dòng sông rất kiên cố, vững chãi, người dân trong thôn Hòa Phước nói riêng, xã Hòa Phú nói chung cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.

Tương tự, ông Trần Văn Dũng (thôn An Tân, xã Hòa Phong) cho hay: “Từ khi có các bờ kè chống sạt lở, người dân trong thôn phấn khởi hơn, bớt lo lắng hơn khi mùa mưa lũ về. Nhất là các bãi bồi đất canh tác ven sông ít bị cuốn trôi…”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Lê Đình Ca cho biết, địa phương có trách nhiệm theo dõi, khảo sát các địa điểm có nguy cơ sạt lở cao, sau đó lập báo cáo, gửi các đơn vị chức năng để thực hiện đầu tư. Trong khi đó, ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng thông tin, đơn vị đang triển khai thi công các tuyến kè chống sạt lở khẩn cấp với tổng chiều dài 1.354m, bao gồm các tuyến đoạn tuyến bờ hữu sông Túy Loan khu vực thôn Phú Túc, xã Hòa Phú có chiều dài 160m (đoạn 1); đoạn tuyến bờ hữu sông Túy Loan khu vực thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú với chiều dài 300m (đoạn 2); đoạn tuyến bờ tả sông Túy Loan, thượng lưu cầu Diêu Phong, thôn Diêu Phong, xã Hòa Nhơn có chiều dài 300m (đoạn 3); đoạn tuyến bờ hữu sông Túy Loan, thượng lưu cầu Diêu Phong, thôn Hội Phước, xã Hòa Phú, chiều dài 94m (đoạn 4) và đoạn tuyến bờ tả sông Vĩnh Điện, khu vực thôn Giáng Nam 1, xã Hòa Phước có chiều dài 500m (đoạn 5). Trong đó, đoạn 4 và 5 đã hoàn thành thi công, đoạn 3 đang triển khai thi công và dự kiến hoàn thành trong tháng 9-2023.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu rất phức tạp; bão, lũ, nước biển dâng... ngày càng khó lường, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản người dân ở những khu vực ven sông, ven biển. Hằng năm, trước mùa mưa bão, sở đều phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra các khu vực xung yếu, các công trình đê, kè, công trình thủy lợi... Tuy nhiên, về lâu dài cần có những biện pháp hữu hiệu hơn, cụ thể như cần sớm xây các kè chống sạt lở khẩn cấp tại vị trí xung yếu các tuyến sông trên địa bàn thành phố, hoặc di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở… Vì vậy, Nghị quyết số 28/NQ-HĐND thành phố đã quyết định tăng thêm chiều dài các bờ kè chống sạt lở khẩn cấp lên hơn 2,5km (13,61km/11,07km so với Nghị quyết số 18/NQ-HĐND thành phố ngày 11-3-2022); đồng thời điều chỉnh chưa đầu tư hơn 5km bờ kè chưa thật sự cần thiết.

Theo ông Nguyễn Bảo Hân, Chi cục Phó Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), do điều kiện bất lợi của khí hậu; thủy- hải văn nên bờ biển, lòng sông và bờ sông trên thành phố thường xuyên không ổn định. Đặc biệt, từ hơn 10 năm nay quá trình xói lở bờ biển, bờ sông đã diễn ra với tốc độ và mức độ lớn, gây mất đất sản xuất, nhà cửa, gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống sản xuất của nhân dân. Thành phố đã triển khai các giải pháp bảo vệ, chống xói lở bờ biển, bờ sông như xây dụng đê, kè cứng (đối với đô thị và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng), kè mềm kết hợp trồng cỏ vetiver, tre để tạo cảnh quan, môi trường. Từ năm 2020 đến nay, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư hơn 870 tỷ đồng xây dựng gần 34,5km đê kè phòng chống sạt lở tại các sông: Yên, Túy Loan, Cầu Đỏ - Cẩm Lệ, Vĩnh Điện, Cổ Cò, Cu Đê và tại các bờ biển trên địa bản thành phố.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Cần sớm xây kè chống sạt lở các bờ sông