Mỗi năm, tại thành phố Đà Nẵng thải ra môi trường trung bình 80.000 tấn rác thải nhựa (tương đương khối lượng rác thải nhựa một người dân thải ra 0,19kg/ngày). Trong đó, khối lượng túi ni-lông là 11.198 tấn/năm, màng chất dẻo các loại là 4.587 tấn/năm, chai nhựa đựng đồ uống khoảng 800 tấn/năm, xốp nhựa khoảng 700 tấn/năm. Rác thải nhựa dùng một lần phát sinh từ dịch vụ ăn uống khoảng 500 tấn/năm.
Trong khi đó, hoạt động từ các văn phòng, vận chuyển, kho bãi, dịch vụ ăn uống, lưu trú, bán lẻ, bán buôn và các dịch vụ khác phát thải khối lượng túi ni-lông lên đến 20.019 tấn/năm, màng chất dẻo các loại khoảng 7.525 tấn/năm, chai nhựa đựng đồ uống khoảng 2.000 tấn/năm, xốp nhựa khoảng 1.800 tấn/năm và rác thải nhựa dùng một lần phát sinh từ dịch vụ ăn, uống khoảng 4.500 tấn/năm. Đó thực sự là những con số báo động đối với môi trường.
Mặc dù thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động nỗ lực thu gom chất thải sinh hoạt, trong đó có chất thải nhựa, nhưng khối lượng chất thải nhựa xả bừa bãi ra môi trường vẫn vô cùng lớn, khoảng 3.218 tấn/năm. Khoảng 85% tổng khối lượng rác thải nhựa phát sinh được chuyển đến các bãi chôn lấp, chỉ có 6,2% khối lượng nhựa được phân loại để tái chế, 8% chất thải nhựa không được kiểm soát trong môi trường, có khả năng sẽ gây ra thiệt hại cho môi trường và hệ sinh thái.
Đứng trước thực trạng phát sinh rác thải nhựa ngày một gia tăng, các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức tại thành phố Đà Nẵng đã nỗi lực triển khai nhiều hoạt động phân loại rác, các phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Thí dụ: Quận Thanh Khê triển khai mô hình túi ni-lông thân thiện môi trường tại 10 chợ với khối lượng hơn 27,8 tấn. Từ sự tài trợ, hỗ trợ của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), quận Thanh Khê đang thực hiện kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đến năm 2025 với mục tiêu giảm 50% tỷ lệ thất thoát rác thải nhựa; giám sát, xử phạt người xả rác không đúng quy định; 100% số hộ dân, trường học, doanh nghiệp, đơn vị… thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Lễ phát động hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa tại Quận Thanh Khê – Đà Nẵng.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng thực hiện mô hình “dùng cặp lồng đi mua thức ăn”, “phát giỏ hoặc túi sinh thái để đi chợ” nhằm thay thế túi ni-lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần với số lượng hơn 800 cặp lồng, hơn 3.000 giỏ hoặc túi sinh thái… và vận động 20 nhóm bếp ăn tình thương không sử dụng hộp xốp khi phát thức ăn. Bên cạnh đó, vận động hơn 200 hộ gia đình phụ nữ trồng gần 4.000 cây chuối để cung cấp lá cho tiểu thương bán rau tại các chợ; hỗ trợ 1.300 gốc cây chuối cho các hộ để nhân rộng mô hình này.
Từ tháng 12/2021, triển khai chương trình “Truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc sử dụng, quản lý rác thải nhựa, phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững”, vào mỗi thứ 7 hằng tuần, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng đều tổ chức các điểm thu đổi rác tái chế. Chương trình nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức xã hội, các hộ gia đình, người dân tại địa phương. Số lượt người dân tham gia phân loại và thu đổi rác tăng lên qua mỗi đợt. Người dân khi mang rác tái chế tới điểm thu đổi sẽ được nhận lại các sản phẩm như: nước rửa chén, xà phòng giặt đồ, sữa tắm, bộ ly thủy tinh… hoặc tiền mặt theo giá thị trường của từng loại rác tái chế. Đối với nhựa là 3.000 nghìn đồng/kg, giấy là 4.000 nghìn đồng/kg, sắt là 8.000 nghìn đồng/kg, đồng là 24.000 nghìn đồng/kg. Chương trình được truyền thông nói trên cũng đang được triển khai với sự tài trợ của Liên minh tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) thành phố Đà Nẵng, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện, đề xuất và triển khai phân loại CTRSH tại nguồn, các mô hình hưởng ứng Phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn thành phố đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, qua theo dõi, Sở TN và MT nhận thấy vẫn còn tình trạng ở một số cơ quan, đơn vị sử dụng chai nhựa sử dụng một lần để phục vụ trong các cuộc họp, hội thảo, hội nghị phát sinh đồ nhựa, hộp xốp, túi ni-lông tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng.
Sở TN và MT thành phố Đà Nẵng yêu cầu các quan tăng cường kiểm tra việc thực hiện nghiêm túc chủ trương của UBND thành phố về việc không sử dụng chai nhựa, ly nhựa đựng nước dùng một lần trong các cuộc họp, hội thảo, hội nghị; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, dùng một lần khi không thực sự cần thiết. Đồng thời Sở TN và MT cũng đề nghị Sở Du lịch, Sở Công thương, UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy trong phạm vi đơn vị quản lý; tăng cường nhắc nhở các cơ sở tại các trung tâm thương mại, dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh dịch vụ, lưu trú du lịch, cơ sở đạt chuẩn, lữ hành, khu điểm du lịch… và giảm thiểu tối đa sản phẩm nhựa dùng một lần hướng tới mục tiêu thành phố Đà Nẵng đề ra: Đô thị không rác thải nhựa.
Phạm Anh