Chỉ còn 7 tháng nữa, quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác) tại nguồn của Luật Bảo vệ môi trường sẽ chính thức có hiệu lực. Các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về phân loại, thu gom, xử lý... rác sẽ bị xử phạt hành chính. Vì thế mà việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là điều vô cùng cần thiết và cấp bách.
Do lộ trình thu gom rác xa và phân tán, trên địa bàn xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) mới được thu gom rác sinh hoạt và vận chuyển về bãi rác Khánh Sơn với tần suất 1 tuần/lần. Trước thực tế trên, để bảo đảm vệ sinh môi trường, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch đã tích cực phân loại, tách riêng các loại rác có khả năng tái sử dụng và tái chế, đem rác tái chế đi bán phế liệu để giảm lượng rác được tập kết, chờ thu gom cũng như hạn chế tình trạng rác tràn thùng. Đồng thời, chủ động phân loại, xử lý riêng các loại chất thải hữu cơ (thức ăn thừa, vỏ trái cây, vụn rau, phế thải của tôm, cá...) để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và phân bón cho cây trồng, giảm thiểu mùi hôi do chất thải hữu cơ phân hủy tại các điểm tập kết, nhất là vào mùa nắng nóng... UBND xã Hòa Bắc phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các hội, đoàn thể cũng vừa tổ chức tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và hướng dẫn, phân loại rác tại nguồn năm 2024 cho người dân ở các thôn Phò Nam, Nam Yên, Tà Lang, Giàn Bí, Nam Mỹ.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc - ông Trương Thanh Nhân cho biết, qua các buổi tuyên truyền, địa phương tiếp tục hướng dẫn cách thức phân loại rác tại nguồn, thu gom, xử lý các nhóm chất thải hữu cơ và rác tái chế đạt các tiêu chí cụ thể theo phương thức chung của thành phố và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong năm 2024, xã Hòa Bắc phấn đấu cơ bản hoàn thành công tác triển khai phân loại rác tại nguồn cho các hộ gia đình, khu dân cư để tạo thói quen và thực hiện chính thức, đáp ứng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường từ đầu năm 2025.
Theo quy định tại Điều 75 của Luật Bảo vệ môi trường, chất thải rắn (rác) sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành 3 nhóm chính: rác có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải sinh hoạt khác (trong đó có chất thải nguy hại). Riêng đối với chất thải thực phẩm, ở khu vực đô thị, các hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải thực phẩm và rác sinh hoạt khác trong bao bì theo quy định rồi chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt (đơn vị thu gom rác); chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Ở khu vực nông thôn, luật khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; lượng chất thải thực phẩm không được tận dụng như trên phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang, huyện đang phối hợp với các xã triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, đơn vị triển khai Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 13-5-2024 của UBND huyện Hòa Vang về phân loại rác tại nguồn trên địa bàn huyện năm 2024 để thực hiện đáp ứng quy định tại Điều 75 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 kể từ ngày 1-1-2025.
Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang - ông Huỳnh Tấn Bôn cho hay: “Các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện sẽ là lực lượng chủ công trong thực hiện phân loại chất thải hữu cơ. Huyện sẽ cố gắng triển khai tốt phân loại rác tại nguồn để đáp ứng quy định của Luật Bảo vệ môi trường”.
Ông Hồ Văn Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê thông tin, đơn vị và các phường đã, đang tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức... thực hiện các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường; phân loại rác tại nguồn. Đồng thời, tuyên truyền các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thông thường, chất thải nguy hại... theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ (Điều 26). Riêng trong năm 2023, quận Thanh Khê đã xử phạt 2 chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh với tổng số tiền 60 triệu đồng vì vi phạm trong quản lý chất thải nguy hại.
Theo Phó Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường - ông Dương Tấn Tài, một phần rác sinh hoạt còn được xem là rác tài nguyên vì có khả năng tái sử dụng, tái chế, bán được.... Vào giữa tháng 4-2024, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch phân loại rác tại nguồn năm 2024. Trước mắt, các đơn vị, địa phương đang tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn phân loại rác cho các hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh... để thực hiện chính thức và đúng quy định trong thời gian đến cũng như tránh bị áp dụng các chế tài, xử phạt vi phạm hành chính sau này.