– Vừa qua, trên địa bàn TP Đà Nẵng xảy ra tình trạng thiếu, mất nước sinh hoạt kéo dài trên diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Điều đáng nói, trong khi nguồn nước sinh hoạt khan hiếm, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, thì dự án Nhà máy nước Hòa Liên, công suất 120.000 m3/ngày đêm vẫn còn nằm trên giấy…
>>>Bà Rịa – Vũng Tàu: Ban hành Quy trình vận hành điều tiết đập dâng Sông Ray
>>> Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc vì Đà Nẵng thiếu nước nghiêm trọng
Năm 2012, chính quyền Đà Nẵng giao cho Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà máy nước Hòa Liên, đồng thời cho phép Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Sau khi nghiên cứu, JICA đưa ra mức tổng chi phí đầu tư xây dựng dự án hơn 2.260 tỷ đồng, đề xuất phương án bán sỉ năm đầu là 7.690 đồng/m3 nước. Như vậy, khi mua lại để bán đến người tiêu dùng thì giá đội lên thành 8.782 đồng/m3, trong khi giá nước sinh hoạt thời điểm đó (năm 2014) thành phố phê duyệt là 4.580 đồng/m3.
Máy máy nước Cầu Đỏ thiếu nước sản xuất vì nguồn nước bị nhiễm mặn
Sau nhiều cuộc họp với các đối tác nước ngoài nhưng không đi đến thống nhất về mức đầu tư, giá bán nước dự án tạm thời bị dừng lại. Tháng 11.2016 Dawaco đã xin thành phố cho tự đầu tư dự án với tổng mức đầu tư 1.243 tỷ đồng, hoàn thành ngay trong năm 2020 và giá nước dự kiến là 4.600 đồng/m3. Nhận thấy việc tự chủ của Dawaco có chi phí đầu tư thấp hơn, thời gian hoàn thành đáp ứng nhu cầu nước sạch và giá thành rẻ hơn, tháng 2.2017 Thường trực Thành ủy Đà Nẵng thống nhất phương án tự đầu tư của công ty, có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận với phương án tự chủ của Dawaco.
Sau đó, Dawaco đã tiến hành các thủ tục đánh giá tác động môi trường, xin điều chỉnh quy hoạch và thủ tục đầu tư. Ngày 24.4.2018, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng lại có thông báo về việc thay đổi chủ trương đầu tư dự án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên, qua đó không giao cho Dawaco làm chủ đầu tư như đã định mà sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao). Đến nay, thành phố vẫn chưa chốt được phương án lựa chọn BOT hay giao lại cho Dawaco. Đến nay, khi “cái khát” bao trùm cả thành phố khiến người dân, doanh nghiệp bức xúc, dự án Nhà máy nước Hòa Liên vẫn loay hoay trên… giấy
Quả bóng trách nhiệm xoay tròn
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho rằng, dự án Nhà máy nước Hòa Liên rất quan trọng, không chỉ giảm tải cho Nhà máy nước Cầu Đỏ mà đảm bảo nguồn nước cho khu vực dân cư Tây Bắc thành phố, các khu công nghiệp, nhà ga mới, cảng Liên Chiểu… vì vậy cần đầu tư cấp bách để cấp nước lâu dài và không bị phụ thuộc vào các nguồn nước khác.
Người dân Đà Nẵng nửa đêm chờ hứng nước
Trước tình trạng 6 năm không chốt được phương án đầu tư của dự án Nhà máy nước Hòa Liên, dẫn đến cung không đủ cầu, thiếu nước trên toàn thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã có văn bản yêu cầu các các cơ quan liên quan báo cáo đầy đủ, phân tích các giai đoạn triển khai Nhà máy nước Hòa Liên từ năm 2012 cho đến nay, giải trình nguyên nhân thời gian triển khai dự án bị kéo dài, nghiên cứu thêm các phương án đầu tư khác như đầu tư công, đầu tư từ nguồn vốn của Quỹ Đầu tư phát triển TP, làm rõ phương án tài chính, lộ trình tăng giá nước…, báo cáo tổng thể tình hình triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên và các Nhà máy nước khác trên địa bàn TP theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Thông báo số 388-TB/TU ngày 13.6.2018.
Về phía Dawaco cho biết: trước đây đơn vị được lãnh đạo TP Đà Nẵng giao làm chủ đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên, sau đó Dawaco đã hoàn thành công tác đánh giá tác động môi trường dự án và đã được Bộ TN&MT phê duyệt tại Quyết định số 1826/QĐ-BTNMT ngày 08.6.2018. Ngày 31.10.2018, Sở Xây dựng Đà Nẵng lại có văn bản 10194/SXD-HTKT yêu cầu Dawaco báo cáo rà soát tiến độ thực hiện dự án Nhà máy nước Hòa Liên, trong khi chính Dawaco cũng không biết mình có được làm chủ đầu tư dự án hay không, khi lãnh đạo TP. Đà Nẵng vẫn chưa có quyết định chính thức về hình thức đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên.
Như vậy, dự án nhà máy nước Hòa Liên 6 năm nằm trên giấy chỉ vì vấn đề hình thức đầu tư. Việc thiếu, mất nước sinh hoạt đã và đang xảy ra, nếu tiếp tục xảy ra ảnh hưởng tới hàng triệu người dân, doanh nghiệp như thời gian vừa qua thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai, hay lại xoạy tròn quanh trục: UBND thành phố- Sở Xây dựng- Dawaco?
Tân Mỹ