Đà Nẵng: Nguy cơ lây nhiễm SARS-COV-2 từ quá trình xử lý rác thải y tế

Thanh Hải – Nhật Hiên|29/08/2020 12:07
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mỗi ngày Đà Nẵng có hơn 7 tấn rác thải có nguy cơ lây nhiễm SARS-COV-2. Trong khi đó, cả thành phố chỉ có 1 lò đốt ST-200 xử lý rác thải nguy hại với công suất 200kg/giờ. Nhằm giải nguy nguy cơ quá tải, vừa qua UBND TP đã cho phép vận hành thêm lò đốt chất thải nguy hại công nghiệp ST-80.

VIDEO: Nguy cơ lây nhiễm Sars-cov-2 từ quá trình xử lý rác

Hiện có 40 cơ sở y tế, khu cách ly tập trung đã hợp đồng thu gom rác thải y tế với Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng với hơn 7 tấn rác thải nguy cơ lây nhiễm Sars-CoV-2 mỗi ngày.

Xe đông lạnh vận chuyển rác có nguy cơ lây nhiễm Sars-CoV-2

Nhằm bảo đảm thu gom, xử lý rác rác thải nguy hại này, công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã lập phương án xử lý chất thải tại các khu vực cách ly y tế và các bệnh viện. Theo đó, toàn bộ lượng rác thải đựng trong bao nilon cùng dòng chữ “Rác thải có nguy cơ lây nhiễm Sars-CoV-2” và bỏ vào thùng chứa chuyên dụng được dán kín miệng, nhằm tránh rơi vãi trong quá trình vận chuyển.

Nhân viên thuộc đơn vị vệ sinh môi trường cũng phải thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống lây nhiễm Covid-19. Trước khi vào khu cách ly, cơ sở y tế, nhân viên phải mặc đồ bảo hộ để thu gom rác thải 2 lần/ngày. Rác sinh hoạt lẫn rác thải y tế ở khu cách ly, cơ sở y tế đều được xếp vào loại rác thải nguy hại.

Sau đó, rác được khử trùng và chuyên chở bằng xe đông lạnh đến bãi rác Khánh Sơn xử lý. Sau mỗi đợt vận chuyển cả xe và thùng đựng rác chuyên dụng đều được phun khử khuẩn nhằm triệt tiêu khả năng lây nhiễm Sars-CoV-2.

Quy trình xử lý rác thải đặc biệt

Các công nhân tập kết rác thải nguy hại trước khi xử lý

Khoảng 9 giờ 30 sáng, xe chuyên dụng vận chuyển rác từ các khu cách ly, bệnh viện về bãi rác Khánh Sơn. Ông Trần Văn Tiên, Phó giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, toàn bộ rác thải y tế tại các khu cách ly, cơ sở y tế sẽ được đem đi đốt hoàn toàn. Đối với rác thải sinh hoạt tại các khu vực này cũng được phun khử khuẩn Cloramin B rồi mới xử lý, không thể trộn chung với rác sinh hoạt thông thường.

“Lò đốt rác thải nguy hại có hai buồng, một buồng sơ cấp để nạp rác rác, khi rác đi vào buồng sẽ tự cháy với nhiệt độ từ 700oC -1100oC sau đó qua buồng thứ cấp có nhiệt độ từ 1050oC đến 1100oC. Như vậy, sẽ không còn vi khuẩn nào tồn tại sau khi rác được xử lý triệt để. Toàn bộ lượng khói phát sinh trong quá trình đốt sẽ được lọc toàn bộ, thải ra môi trường là khí trắng.”, ông Tiên cho biết.

Lò đốt hoạt động 20 giờ/ngày

Trước đó, cả thành phố chỉ có 1 lò đốt ST-200 xử lý rác thải nguy hại có công suất 200kg/giờ. Vì vậy, nếu lò hoạt động hết công suất (20 giờ/ngày) chỉ xử lý được khoảng 4 tấn rác. “Đối với khối lượng rác y tế và chất thải có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 chưa đốt được lưu giữ trong 2 container lạnh, luôn bảo quản ở nhiệt độ khoảng 10oC (dưới 20oC theo đúng quy định) và được đem ra đốt liên tục, bảo đảm rác lưu chứa không quá 48 giờ theo đúng quy định.”, ông Tiên cho biết thêm.

Nhằm giải nguy nguy cơ quá tải rác thải nguy hại, vừa qua UBND TP đã cho phép vận hành thêm lò đốt chất thải nguy hại công nghiệp ST-80 để xử lý rác y tế và chất thải có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho đến khi hết dịch bệnh.

Rực lửa xuyên đêm

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, anh Nguyễn Văn Hoàng (công nhân của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng) chia sẻ, gần 1 tháng kể từ ngày Đà Nẵng vào làn sóng Covid-19 lần thứ hai, anh cùng 11 đồng nghiệp thay phiên túc trực đảm bảo xử lý hơn 4 tấn rác thải nguy hại mỗi ngày. Công việc bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc khoảng 3 giờ sáng ngày hôm sau. Cả ngày mặc đồ bảo hộ nóng nực, khó chịu nhưng tất cả đều phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, đồng hành với thành phố trong công tác chống dịch.

Hiện có 12 công nhân trực tiếp xử lý rác thải nguy hại tại bãi rác Khánh Sơn. Các công nhân luân phiên xoay ca để đảm bảo lò đốt hoạt động hết công suất. Áp lực công việc đi kèm với nỗi lo về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cứ hiện hữu trong suy nghĩ của anh Hoàng và các đồng nghiệp.

Container chứa rác thải nguy hại luôn đảm bảo mức nhiệt -10oC

“Xử lý rác thải nguy hại khác rất nhiều so với rác thải thông thường, hơn nữa, phải tiếp xúc trực tiếp với đồ dùng, rác thải, dụng cụ y tế điều trị cho người bệnh nên sợ bị nhiễm bệnh lúc nào không hay nhưng bây giờ việc làm phải làm nếu không để tồn lưu rác thì nguy hiểm hơn” – anh Hoàng chia sẻ.

Trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19, những hy sinh thầm lặng của anh Hoàng nói riêng và hàng triệu người đang hướng về Đà Nẵng thật đáng trân quý.

Thanh Hải – Nhật Hiên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Nguy cơ lây nhiễm SARS-COV-2 từ quá trình xử lý rác thải y tế