Dai dẳng ô nhiễm từ bãi rác ở Củ Chi, TP. HCM

Minh Lâm|14/11/2023 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhiều năm nay, người dân Củ Chi (TP.HCM) phải sống với mùi hôi sinh ra từ hoạt động thu gom, tập kết và xử lý rác tại các nhà máy hiện hữu trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.

Thời gian qua, hàng trăm hộ dân sống gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh rất bức xúc khi các nhà máy trong khu liên hợp này gây ô nhiễm môi trường, không chỉ ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, sức khỏe của họ.

Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi chia sẻ, qua khảo sát, mùi hôi từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc đã gây ô nhiễm mùi hôi trong bán kính lên đến 10km. Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc hiện có hai doanh nghiệp tiếp nhận và xử lý rác thải, đó là Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Vietstar. Vị Chủ tịch huyện Củ Chi mong mỏi sớm triển khai các dự án nhằm giảm thiểu vấn đề ô nhiễm, tạo cho người dân cơ hội để tìm nơi khác an cư, lạc nghiệp và có đất để canh tác, sản xuất.

bai-rac-cu-chi.jpg
Cột khói đen bốc lên mỗi ngày từ bãi rác Củ Chi ảnh hưởng môi trường sống của người dân

Số liệu thống kê từ Sở TN&MT TPHCM, mỗi ngày thành phố phát sinh gần 10.000 tấn rác thải, được chuyển về 4 đơn vị để xử lý. Trong đó, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc đảm nhiệm xử lý khoảng 3.200 tấn/ngày. Trong khu này hiện có hai nhà máy của Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar hoạt động, với công nghệ hiện hữu là đốt, ủ phân compost và chôn lấp.

Năm 2009, cả hai công ty Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar đồng loạt khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện theo công nghệ hiện đại. Trong đó, nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa có vốn lên đến 5.000 tỷ đồng, công suất xử lý rác khoảng 1.000 tấn/ngày, còn nhà máy của Vietstar xử lý gần 2.000 tấn/ngày.

Các nhà máy dự kiến hoạt động vào cuối năm 2020, hứa hẹn giải quyết đáng kể lượng rác phải chôn lấp. Tuy nhiên, hiện tại việc chuyển đổi trên vẫn "đứng hình" vì chờ thủ tục, trong khi lượng rác vẫn tăng lên mỗi năm.

Báo cáo về môi trường Quốc gia giai đoạn 2016-2020 cho thấy, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị là hơn 35.600 tấn/ngày, chiếm khoảng 55% tổng khối lượng loại này phát sinh trên cả nước.

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của cơ quan chức năng cho thấy, trung bình mỗi ngày trên toàn quốc sẽ phát sinh 120.000 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 10.000 tấn, Tp. Hà Nội khoảng 7.000 tấn.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chất thải rắn sinh hoạt bao gồm nhiều loại như thức ăn thừa, giấy báo, bao bì, chai lọ, vỏ hộp, vải, đồ chơi, vật dụng gia đình, rác thải điện tử,… nếu không được thu gom, xử lý triệt để sẽ gây ra các tác hại đến môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí mà còn là nguyên nhân gây thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên và thiệt hại về kinh tế - xã hội.

Đối với môi trường đất, do rác thải khó phân hủy và chứa nhiều chất độc như nilon, kim loại nặng… khi bị lẫn vào trong đất sẽ tiêu diệt các vi sinh vật có lợi cho đất, từ đó làm giảm tính đa dạng sinh học của đất, cản trở đến quá trình tổng hợp chất dinh dưỡng, đất trở nên chua và kém phì nhiêu, đồng thời cũng làm phát sinh nhiều sâu bọ phá hoại cây trồng, năng suất giảm sút, thậm chí bị hoang hóa không thể canh tác.

Đối với môi trường nước, chất rỉ thải từ rác chảy ra sông suối, kênh rạch, ngấm sâu vào đất làm giảm đa dạng sinh học, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các loại sinh vật sống trong nước, thậm chí xóa sổ.

Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và mưa nhiều ở nước ta là điều kiện thuận lợi cho các thành phần hữu cơ từ rác thải sinh hoạt phân hủy, thúc đẩy nhanh quá trình lên men, thối rữa và tạo sự ô nhiễm không khí, dễ thấy nhất là mùi hôi gây khó chịu cho con người. Các chất thải khí phát ra từ các quá trình này thường là H2S, NH3, CH4, SO2, CO2.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dai dẳng ô nhiễm từ bãi rác ở Củ Chi, TP. HCM