Theo truyền thông, trong khi Thủ đô Ấn Độ phải chiến đấu với làn khói bụi cay nồng và độc hại bao phủ khắp thành phố, dòng sông thiêng gần New Delhi cũng bị một lớp bọt độc dày đặc "tấn công".
Các chuyên gia cho biết, bọt có mùi khét chứa hàm lượng amoniac và phosphat cao, có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và da. Mức độ ô nhiễm ở New Delhi thời gian gần đây đã đạt ngưỡng nguy hiểm, khiến nhiều người trong số hơn 20 triệu cư dân của New Delhi nhiễm bệnh và buộc các trường tiểu học và một số văn phòng phải đóng cửa.
Trong nhiều thập kỷ, nhiều khu vực sông Yamuna đã bị ảnh hưởng bởi việc xả thải hóa chất độc hại và nước thải chưa qua xử lý. Ở một số đoạn, dòng sông có vẻ tối tăm và lầy lội, trong khi rác thải nhựa chảy dọc bờ.
Con sông bị ô nhiễm nhất ở các khu vực xung quanh Delhi do dân số đông đúc và mật độ xả thải cao trong khu vực. Theo một ủy ban giám sát của chính phủ nước này, chỉ có 2% chiều dài của con sông chảy qua thủ đô, nhưng Delhi đóng góp khoảng 76% tổng lượng ô nhiễm của sông Yamuna.
Bất chấp việc ô nhiễm nguồn nước trên sông, người dân ở hạ lưu vẫn tiếp tục sử dụng nước để tắm và thậm chí là uống. Hàng năm, các tín đồ đạo Hindu thường đến bờ sông Yamuna để làm lễ Chhath Puja, một lễ hội dành cho thần mặt trời Surya.
Theo IQAir, công ty chất lượng không khí Thụy Sĩ, vài ngày qua New Delhi liên tiếp đứng đầu trong bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) của New Delhi hôm 9/11 là 517 – mức độ được coi là nguy hiểm.