Theo đó, trong 3 ngày từ 26 đến 28/2, tại khoảnh 4 thuộc tiểu khu 296, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp thuộc lâm phần của công ty này quản lý có 3 đám rừng bị hủy hoại, với diện tích được đo đếm là 8,13 ha.
Hiện trường của vụ phá rừng này cho thấy có hàng trăm cây gỗ bị cắt hạ bằng cưa lốc với đường kính từ 5 đến 20cm gồm: dầu, cà chít, chiêu liêu và một số cây gỗ tạp khác.
Ông Nguyễn Văn Quyến – Phó tổng giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk (Cty LN Đắk Lắk) cho biết, công ty đã có báo cáo cụ thể về việc rừng thuộc lâm phần của đơn vị quản lý bị người dân đốn hạ gần cuối tháng 2 vừa qua.
Nhiều cây gỗ có đường kính khoảng 40cm bị đốn hạ
Thông tin ban đầu cho thấy có rất nhiều cây gỗ có đường kính trên 40cm bị chặt hạ, nhiều trong số đó đã được đánh số, kiểm đếm của cơ quan chức năng.
11 ha rừng bị đốn hạ
Cũng theo báo cáo của Cty LN Đắk Lắk, ngày 6 và ngày 7/3/2018, cơ quan chức năng đã kiểm tra khu vực rừng bị phá tại khu vực giáp ranh với huyện Buôn Đôn bằng máy định vị GPS 78, thì diện tích rừng bị chặt phá là 11,009 ha. Tại thời điểm thống kê rừng bị phá, vẫn chưa xác định được thủ phạm.
“Mục đích của phá rừng là để lấy đất mặt tiền. Hiện vẫn chưa xác định được khối lượng gỗ là bao nhiêu. Trạm bảo vệ rừng của công ty có 6 người quản lý địa bàn. Tuy vậy, do đường đi lại xa xôi, và bị cắt lúc ban đêm nên rất khó khăn cho việc phát hiện”, ông Quyến cho biết.
Cũng theo vị Phó tổng giám đốc Cty LN Đắk Lắk, sắp tới công ty sẽ có hình thức xử lý đối với những cán bộ để mất rừng mà không phát hiện để ngăn chặn kịp thời.
Khu vực rừng bị phá nói trên thuộc lâm phần của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’lan cũ (Cty Cư M’lan). Năm 2017, Cty này sáp nhập với Cty TNHH MTV Lâm nghiệp thành Cty 2 thành viên với tên gọi mới là: Cty LN Đắk Lắk.
Thời điểm chưa sáp nhập, ông Quyến là Phó giám đốc Cty Cư M’lan. Theo Kết luận của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Ea Súp, từ năm 2009 đến thời điểm kiểm tra, trong tổng số diện tích được giao 14.700 ha rừng và đất lâm nghiệp (trong đó cho thuê hơn 11.500 ha rừng vào mục đích đất nông nghiệp và hơn 3.100 ha rừng phòng hộ) Cty này đã để mất hơn 10.500 ha (trong đó, hơn 8.900 ha rừng sản xuất và hơn 1.500 rừng phòng hộ).
Việc các cánh rừng tự nhiên ở xã Cư M’lan đang bị tàn phá do thiếu sự quản lý của chủ rừng và lực lượng bảo vệ rừng đang là “miếng mồi ngon” cho các đối tượng “lâm tặc” lợi dụng để hủy hoại rừng, lấn chiếm đất rừng. Các ngành chức năng của huyện Ea Súp cần vào cuộc làm rõ động cơ, mục đích của việc phá rừng trái pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng hủy hoại rừng theo quy định.
Diễm Phương (t/h)