Đắk Lắk: Mô hình xã hội hóa thu gom rác thải ở Cư M’gar

Hồng Minh|18/03/2021 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhờ xã hội hóa thu gom rác, vận chuyển rác thải sinh hoạt, huyện Cư M’gar (ĐắkLắk) đã giải được “bài toán khó” bức xúc do rác thải gây ra, tạo cảnh quan sạch, đẹp.

Cứ 7 giờ sáng các ngày thứ ba, năm, bảy hằng tuần, các thành viên “Tổ thu gom rác thải sinh hoạt” xã Ea M’nang lại đánh xe công nông đến các khu dân cư trên địa bàn thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến bãi tập trung của xã để xử lý. Người dân có trách nhiệm bỏ rác thải sinh hoạt vào bịch, bao và đem ra trước cổng theo giờ quy định.

Ông Phạm Tịnh, ngụ thôn 1 B, xã Ea M’nang cho hay:“ Hồi trước rác thường do gia đình tự xử lý, trời nắng còn có thể đốt được chứ trời mưa thì phải để lại, gây ô nhiễm, nhưng cũng phải chịu nhưng giờ đây việc này đã được cải thiện nhờ có các tổ thu gom rác, rất tiện lợi và sạch sẽ”.

Thấy được lợi ích từ việc thu gom rác thải, các hộ dân ở xã Ea Drơng cũng tự nguyện đóng góp mỗi hộ từ 20.000 – 25.000 đồng để duy trì hoạt động của “Tổ thu gom rác thải” và Hợp tác xã nông nghiệp – dịch vụ Ea Drơng.

Định kỳ, một tuần 2 lần các tổ thu gom sẽ đến các thôn, xóm để thu gom rác thải sinh hoạt, mỗi gia đình có trách nhiệm tập kết rác thải ra trước cửa nhà. Sau khi được thu gom, rác sẽ được tập kết đến bãi rác của xã để xử lý… Ông Nguyễn Tiến Trường – Phó Chủ tịch UBND xã Ea Drơng nói: “Việc thu gom rác thải ở địa phương được thực hiện từ năm 2015 tại thôn Đoàn Kết, sau đó triển khai ra các địa bàn khác. Hiện, toàn xã có khoảng 900 hộ dân tham gia. Từ khi các tổ thu gom rác thải đi vào hoạt động thì địa phương đã cơ bản giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra…”.

Thôn 3, xã Ea Kpam hiện có 320 hộ với hơn 1.500 nhân khẩu, do vậy lượng rác thải được cần được xử lý hằng tháng rất lớn. Lâu nay, do việc thu gom và xử lý rác thải ở đây vẫn được thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chỗ nào có đất trống là người dân mang đến đổ, phổ biến nhất là tình trạng xả rác thải ngay trong vườn gia đình mình, thậm chí đổ ra đường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người và mất mỹ quan thôn, xóm.

Trước tình trạng này, Ban tự quản thôn 3 đã quyết tâm tìm giải pháp thu gom rác thải sinh hoạt nhằm bảo vệ môi trường sống của người dân, tạo cho thôn có bộ mặt xanh-sạch-đẹp. Qua quá trình học hỏi kinh nghiệm ở một số thôn, buôn trên địa bàn huyện, vào tháng 3-2012, tổ thu gom rác thải sinh hoạt thôn 3, xã Ea Kam được thành lập. Ngay từ khi bắt đầu thành lập tổ thu gom rác thải này, Ban tự quản thôn đã tổ chức các buổi họp dân để bàn về hoạt động của tổ, đồng thời phối hợp với các chi hội đoàn thể ở địa phương lồng ghép tuyên truyền, vận động nhân dân, giúp họ hiểu rõ được quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham gia giữ gìn môi trường sống trong khu dân cư….

Nhờ kiên trì vận động, tuyên truyền, tổ thu gom rác thải sinh hoạt của thôn đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân trong công tác thu gom rác thải, đến nay phần lớn 100% các hộ dân trong thôn đã đăng ký tham gia… Định kỳ vào ngày thứ bảy hằng tuần, tổ thu gom rác thải của thôn sẽ đến các xóm để tiến hành thu gom rác, sau đó tập kết số rác thải này đến bãi rác tập trung của xã, tránh tình trạng xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Kinh phí hoạt động của tổ thu gom rác được lấy từ tiền đóng góp hằng tháng của người dân, bình quân mỗi hộ đóng góp 15.000 đồng/tháng, riêng những đối tượng hộ nghèo chỉ phải đóng 10.000 đồng/tháng…

Sau gần 4 tháng hoạt động, nhiều người dân thôn 3 rất phấn khởi với hình thức thu gom rác thải này. Đến nay cảnh rác thải trên các tuyến đường ở các xóm, hay tập trung ở các kênh mương đã hầu như không còn, đường thôn, ngõ xóm đã trở nên phong quang, sạch đẹp.

Thành viên HTX nông nghiệp và dịch vụ xã Ea Drơng đang thu gom rác tại thôn Tân Phú. Ảnh: T.Dũng

Hiện nay, trên địa bàn huyện Cư M’gar có 10/15 xã đã tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Đối với các xã Cư Suê, Quảng Tiến do nằm dọc theo tuyến đường Tỉnh lộ 8 việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được chính quyền các địa phương vận động các hộ dân đăng ký tham gia đổ rác thải với Công ty TNHH Môi trường – Đô thị của huyện.

Các địa phương tự xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý rác; thực hiện thu phí vệ sinh môi trường của các hộ dân. Khi mới triển khai, nhiều hộ dân chưa ý thức được việc thu gom, xử lý rác thải nên hộ tham gia ở một số tổ thu gom còn khá khiêm tốn, kéo theo vấn đề không đảm bảo chi phí duy trì hoạt động.

Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, cũng như kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vứt rác thải bừa bãi ra môi trường… từ đó, người dân đã dần hiểu được tầm quan trọng của việc thu gom rác thải và số hộ gia đình đăng ký tham gia ngày càng nhiều.

Từ khi các “Tổ thu gom rác thải sinh hoạt” ở các địa phương đi vào hoạt động, người dân đã ý thức hơn được trong việc giữ gìn vệ môi trường. Ông Trần Tuấn Ngọc, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện cho biết:“Hầu hết các tổ thu gom rác thải sinh hoạt đều chưa mua sắm được phương tiện chuyên dụng chuyên chở mà sử dụng xe công nông để thu gom và vận chuyển rác thải nhưng hiệu quả đem lại cũng rất tốt; vấn đề môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trên những con đường tình trạng vứt rác thải bừa bãi đã giảm đáng kể, đảm bảo về cảnh quan và vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới…”.

Thực tế cho thấy, dù tiêu chí số 17 về môi trường không đòi hỏi phải có nhiều kinh phí nhưng lại là tiêu chí khó thực hiện trong xây dựng nông thôn mới. Do vậy, việc xã hội hóa được thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện là một trong những tiền đề quan trọng để các địa phương duy trì thực hiện tốt tiêu chí này.

Hiện nay, huyện Cư M’gar có 14/15 xã đã đạt tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Hồng Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Mô hình xã hội hóa thu gom rác thải ở Cư M’gar