Theo đó, UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Y tế nhanh chóng hoàn thiện các lò đốt rác thải y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm y tế các huyện, thành phố để đảm bảo xử lý rác thải triệt để, không tồn đọng gây ô nhiễm môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra các cơ sở y tế; kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với hệ thống xử lý chất thải nguy hại. Công an tỉnh theo dõi, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh…
Ảnh minh họa
UBND tỉnh Đắk Nông cũng giao Sở Tài chính tham mưu, phân bổ kinh phí phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế. Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp các dự án, công trình xử lý rác thải y tế, đồng thời hoàn thiện các văn bản, cơ chế chính sách trong hỗ trợ, ưu đãi cho hoạt động xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của ngành chức năng, tỉnh Đắk Nông hiện có 83 cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế và 200 cơ sở y tế tư nhân. Tổng lượng chất thải rắn phát sinh hàng ngày khoảng 300 kg và lượng nước thải trung bình khoảng 500m3/ngày đêm. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đắk Nông đã lập 14 khu cách ly tập trung và 54 cơ sở lưu trú thực hiện cách ly y tế nên lượng nước thải, chất thải y tế nguy hại phát sinh rất lớn.
Hiện nay, phần lớn rác thải y tế được xử lý tập trung tại lò đốt chất thải chuyên dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. Việc vận chuyển rác thải phát sinh nhiều chi phí và chưa đảm bảo một số quy định về bảo vệ môi trường.
Nam Anh