Xử lý rác thải phát sinh do dịch COVID-19 – Bài 2: Những hiểm họa với sức khỏe và môi trường

Duy Minh|02/09/2021 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Từ ngày 27/4 đến nay, số ca mắc COVID-19 trong nước khá cao, tình trạng chất thải phát sinh do dịch bệnh tăng mạnh. Điều này không chỉ gây hại cho sức khỏe và tính mạng của con người, mà còn là nguyên nhân hình thành những hệ lụy về môi trường nếu không được xử lý kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Khoa Sức khoẻ môi trường – Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương cho biết: Chất thải y tế là vật chất ở thể rắn, lỏng và khí được thải ra từ các cơ sở y tế bao gồm chất thải thông thường và chất thải y tế nguy hại.

Chất thải y tế nguy hại là chất thải chứa yếu tố nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường như: Dễ lây nhiễm, gây ngộ độc, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn hoặc có đặc tính nguy hại khác nếu những chất thải này không được tiêu hủy an toàn. Chất thải y tế nguy hại lại được phân làm nhiều loại:

Chất thải sắc nhọn (loại A): Là chất thải lây nhiễm có thể gây ra các vết cắt hoặc xuyên thủng bao gồm: Kim tiêm; bơm kim tiêm; đầu sắc nhọn của dây truyền; kim chọc dò; kim châm cứu; lưỡi dao mổ; đinh, cưa dùng trong phẫu thuật và các vật sắc nhọn khác.

Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (loại B): Chất thải thấm, dính, chứa máu hoặc dịch sinh học của cơ thể; các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly.

Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao (loại C): Mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm phát sinh từ các phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III trở lên.

Chất thải giải phẫu (loại D): Mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ và xác động vật thí nghiệm…

Nếu việc thu gom, phân loại và xử lý các chất thải y tế không đảm bảo sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và nhất là của những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải đó là nhân viên y tế và các nhân viên hành chính, nhân viên vệ sinh môi trường. Bệnh nhân điều trị nội trú hoặc ngoại trú, khách tới thăm, người nhà bệnh nhân, người phục vụ trong các cơ sở khám chữa bệnh… cũng có thể bị ảnh hưởng.

Đối với môi trường, khi chất thải y tế không được xử lý đúng cách (chôn lấp, thiêu đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn) sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái.

Thu gom rác tại Bệnh viện dã chiến số 1 (trong ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Ảnh: T.H

Dịch COVID-19 – nỗi lo gia tăng rác thải và ô nhiễm môi trường

Mặc dù chưa có thống kê về số rác thải phát sinh do dịch COVID-19, song tại Việt Nam, với số lượng bệnh nhân tăng lên nhanh chóng thì chất thải y tế cũng tăng theo tỉ lệ thuận, nhất là tại các bệnh viện, khu cách ly tập trung, do tăng phế thải từ trang phục, khẩu trang, găng tay, kim tiêm, dây truyền dịch, thuốc men, bao bì thực phẩm đóng gói…

Người dân cũng được khuyến khích sử dụng khẩu trang và được thay thường xuyên nên khẩu trang đã qua sử dụng thải ra môi trường cũng làm tăng lượng rác thải. Cơ quan y tế cũng sử dụng một lượng lớn các hóa chất khử trùng cũng làm ảnh hưởng tới môi trường.

Do thường xuyên tiếp xúc với nguồn rác thải có nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh, lực lượng công nhân vệ sinh môi trường cũng được trang bị đầy đủ quần áo, thiết bị bảo hộ lao động, sử dụng các loại thuốc khử khuẩn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nên cũng làm tăng thêm lượng rác thải.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện tổng lượng rác thải y tế phát sinh tại 151 khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến vào khoảng 70 tấn/ngày. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân Thành phố cho phép thực hiện cách ly các trường hợp F0, F1 tại địa phương khiến lượng rác thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phát sinh thêm.

Tại Hà Nội, chỉ riêng Công ty Cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 mỗi ngày phải thu gom, vận chuyển và xử lý tại các khu cách ly khoảng 2-3 tấn rác thải.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tổng khối lượng chất thải y tế phát sinh khoảng 26,5 tấn/ngày (trong đó chất thải nguy hại khoảng 7,4 tấn/ngày, chất thải thông thường khoảng – 19,07 tấn/ngày).

Các loại rác ở các khu cách ly, khu phong tỏa và bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao nên quy trình vận chuyển, xử lý rất chặt chẽ

Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, trong thời điểm dịch bùng phát như hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa từ đồ ăn sẵn và rác thải y tế tăng đột biến.

Có thể nói đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi rất lớn hành vi tiêu dùng của người dân. Việc thực hiện giãn cách xã hội đã làm bùng nổ mua sắm online. Theo một khảo sát, trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, có đến 75% người dân sống ở TP.HCM và Hà Nội sử dụng dịch vụ mua đồ ăn trực tuyến. Việc đặt món và giao đồ ăn tận nơi nở rộ đã phần nào khiến lượng rác thải nhựa tăng lên đáng kể.

Về vấn đề này, ông Cao Văn Tuấn – Trưởng phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, đại dịch COVID-19 kéo theo sự tăng lên chóng mặt của một loại rác thải, đó chính là rác thải y tế. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng có thể thấy, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, số lượng vật tư y tế như khẩu trang, đồ bảo hộ được sử dụng tăng vọt. Có dùng chắc chắn sẽ có thải. Điều này tạo nên một áp lực không hề nhỏ đối với môi trường.

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi nhiều thứ và làm cho nỗ lực chung tay giảm rác thải nhựa dường như bị dập tắt. Thói quen tiêu dùng thay đổi khiến nỗi lo bùng nổ rác thải nhựa chưa bao giờ cấp bách như hiện nay. Giải quyết vấn đề rác thải nhựa – một bài toán cũ nay lại càng khó hơn bởi sự ảnh hưởng của COVID-19 là không hề nhỏ.

Nói về vấn đề này, GS.TS Đặng Thị Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, đồ nhựa dùng một lần tiện lợi lại rẻ nhưng các sản phẩm này tạo nên các loại rác không được tái chế, không thể tiêu hủy trong vài trăm năm.

Bà Chi cũng đánh giá, đại dịch COVID–19 đang kéo theo sự gia tăng nhanh chóng của rác thải y tế, những sản phẩm làm từ nhựa phục vụ phòng, chống, xét nghiệm và chữa bệnh tăng vọt. Thực tế cho thấy trên địa bàn Hà Nội, tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện, cơ sở y tế, các hộ gia đình, việc sử dụng những sản phẩm phòng chống dịch như khẩu trang, găng tay, tấm che giọt bắn và áo bảo hộ là thường xuyên. Khối lượng gia tăng của các loại rác thải này cũng là gánh nặng trong công tác xử lý.

Nguy cơ lây bệnh từ rác thải phát sinh do dịch COVID-19

Dịch COVID-19 bùng phát, những công nhân thu gom rác thải rất lo ngại vì nguồn thải có nguy cơ chứa mầm bệnh, đặc biệt là thu gom tại các khu cách ly và phong tỏa. Tuy nhiên, do tính chất công việc, các công nhân vệ sinh môi trường vẫn phải thực hiện nhiệm vụ này.

Theo anh Trần Văn Toàn (công nhân vệ sinh môi trường Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh): “Dịch COVID-19 bùng phát, chúng tôi cảm thấy rất lo lắng, tính chất công việc của chúng tôi phải tiếp xúc với rất nhiều rác thải và không thể biết được rác nào có chứa mầm bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi được trang bị bảo hộ đầy đủ và tuân thủ nghiêm ngặt việc phòng chống dịch nên cũng phần nào yên tâm”.

Đồng tình với những chia sẻ trên, chị PTT (công nhân thu gom rác tại khu vực quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Với tình hình dịch như hiện nay, nhiều người còn không dám ra đường chứ đừng nói đến chuyện tiếp cận khu cách ly và thu gom rác thải, vì thật sự khó biết được chỗ nào có người nhiễm bệnh. Tuy vậy, công nhân vệ sinh như chúng tôi nếu không làm thì không có nguồn thu nhập lo cho gia đình. Rất mong chúng tôi được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 để đỡ lo phần nào”.

Nhân viên Công ty Môi trường đô thị gom các túi rác tại các tòa nhà có F0 cách ly về điểm tập trung để xử lý. Ảnh: T.H

Theo các chuyên gia, ở những khu bị giãn cách, cách ly, rác thải thường có nguy cơ lây nhiễm là rác thải y tế nguy hại. Đối với những công nhân thu gom, vận chuyển, xử lý loại rác thải này cũng có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao.

GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam nhận định: Việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại các khu vực cách ly, bệnh viện dã chiến và nơi phong tỏa bệnh nhân COVID-19 cần thực hiện đúng theo quy trình hướng dẫn và theo đúng quy định an toàn vệ sinh môi trường. Những công nhân vệ sinh thu gom, vận chuyển loại rác thải này nếu không được bảo hộ đúng cách thì rất có khả năng bị lây nhiễm dịch bệnh.

“Rác thải tại khu vực cách ly, bệnh viện dã chiến này có lẫn rác thải sinh hoạt và rác thải y tế, trong đó có rác thải nguy hại như bông băng, thuốc, chất thải bệnh nhân… Đặc biệt, virus có thể lây truyền trong không khí và tồn tại trên bề mặt vật thể các thành phần rác trong một thời gian nhất định” – ông Dũng nói.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, những công nhân vệ sinh môi trường hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý các loại rác thải rất dễ bị phơi nhiễm. Do đó, họ cần được trang bị các dụng cụ lao động an toàn, thích hợp, cần hưởng chế độ bảo vệ và đãi ngộ phù hợp. “Theo tôi, trước hết họ cần được sớm ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 để phòng dịch bệnh” – TS Dũng góp ý.

Duy Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý rác thải phát sinh do dịch COVID-19 – Bài 2: Những hiểm họa với sức khỏe và môi trường